Tháng 3/1985, Gorbachev được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 2/1986, Đảng triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ 27. Đây là Đại hội đầu tiên được triệu tập sau khi Gorbachev lên cầm quyền.
Sau đó không lâu, Gorbachev chính thức đưa ra khẩu hiệu “Dân chủ hóa tính công khai, dư luận đa nguyên hóa” và lấy đó làm bước đột phá mở ra cơ chế cải cách. Lúc bấy giờ, người dân Liên Xô mong muốn cải cách thoát khỏi trì trệ nhưng vẫn chưa rõ, thậm chí, chưa hiểu hàm nghĩa thật sự của khẩu hiệu Gorbachev đưa ra dưới danh nghĩa “perestroika” (cải tổ) là gì.
Tháng 6/1988, Đảng Cộng sản Liên Xô họp Hội nghị đại biểu toàn quốc lần thứ 19. Trong báo cáo, Gorbachev có đoạn bộc bạch: “Phương châm chủ yếu của cải tổ thể chế chính trị Liên Xô không chỉ là đề xướng vấn đề dân chủ hóa tính công khai và dư luận đa nguyên hóa. Mà là phải loại bỏ vấn đề Đảng CS Liên Xô là hạt nhân của thể chế chính trị Liên Xô. Là vấn đề phải chuyển trung tâm quyền lực nhà nước từ trong tay Đảng cộng sản sang Xô Viết”.
Tháng 7/1990, Đảng Cộng sản Liên Xô tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ 28. Đây là Đại hội cuối cùng trong lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô trước khi Liên Xô tan rã.
Đại hội thông qua tuyên bố có tính cương lĩnh “tiến tới Xã hội chủ nghĩa dân chủ hóa nhân đạo” và một số nghị quyết khác. Từ đây, thể chế đa đảng và thể chế dân chủ nghị viện, ý thức hệ đa nguyên cũng chính thức trở thành phương châm chỉ đạo của Đảng.
Kusov, Phó Chủ tịch Trung ương Đảng CS Nga, ngày 28/2/1991 nói: “Sửa đổi Hiến pháp chỉ vẻn vẹn một năm, đã có khoảng 20 chính đảng cấp Liên bang, có hơn 500 chính đảng cấp nước cộng hòa.”
Dưới sự cổ vũ của phương châm dân chủ hóa tính công khai và thể chế đa đảng của Gorbachev, tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô đã không ngừng dâng cao, khuynh hướng ly khai dân tộc hẹp hòi ngày càng trở nên trầm trọng.
Ví dụ ngày 20/12/1989, tại Đại hội 20, Đảng Cộng sản Lithuania thông qua Tuyên ngôn, tuyên bố tách khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô, giữ quan hệ đối tác bình đẳng với Đảng Cộng sản Liên Xô. Gorbachev không có phản ứng nào thích hợp với tình hình đó.
Ngày 23/4/1991, Gorbachev nhân danh Trung ương Đảng và Xô Viết tối cao Liên Xô tiến hành gặp gỡ những người lãnh đạo của chín nước cộng hòa Liên bang (Nga, Ukraine, Belarus, Kazakstan…), ra tuyên bố 9+1 đề xuất nhanh chóng ký kết Hiệp ước Liên bang mới với tên gọi là Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG, xóa bỏ khái niệm “xã hội chủ nghĩa”.
Ngày 20/8 là ngày ký Hiệp ước Liên bang mới. Ngày 19/8, để giữ lại Liên Xô XHCN đồng thời ngăn chặn cái gọi là “phái dân chủ” lên nắm quyền, một nhóm lãnh đạo cao cấp của Đảng, chính quyền và quân đội Liên Xô đã tiến hành đảo chính nhưng thất bại.
Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tự giải tán trước sự thúc ép của Gorbachev. 4.228 tòa nhà làm việc, 180 trung tâm chính trị xã hội, 16 cơ sở nghiên cứu chính trị xã hội,… của Đảng đều bị nhà cầm quyền Nga niêm phong và tịch thu. Tổ chức Đảng khắp các khu vực Nga và ở các nước cộng hòa Liên Xô nhanh chóng bị giải tán hoặc bị cấm hoạt động. Toàn Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã theo. Vậy là một đảng lớn, có gần 20 triệu đảng viên, đã mất địa vị cầm quyền sau 74 năm.
Ngày 25/12/1991, Gorbachev tuyên bố từ chức và bàn giao cho tổng thống Nga Boris Yeltsin mật mã kích hoạt hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược. 19h32 cùng ngày, lá cờ đỏ búa liềm trên nóc Điện Kremli đã hạ xuống và được thay thế bằng quốc kỳ Nga. Nga trở thành quốc gia kế thừa Liên Xô trong mọi vấn đề quốc tế, bao gồm cả ghế thường trực HĐBA Liên Hiệp Quốc (do không gặp sự phản đối nào, các nước tán thành tuyên bố này ngày 31 tháng 12).
Ngày 26/12/1991, trong một phiên họp đặc biệt nhất kể từ khi thành lập, Hội đồng Tối cao Xô Viết (CCCP) đã thông qua 2 nghị quyết: 141-H tuyên bố tự giải tán cơ quan này, và 142-H chấm dứt sự tồn tại của Liên bang Xô Viết sau 74 năm thành lập.
Nhà nước công-nông đầu tiên trên thế giới, đã rút khỏi vũ đài lịch sử như thế!