Trang chủ Kiến Thức Tổng thống Mỹ Nixon chịu trận bài thuyết giảng khó nhằn nhất...

Tổng thống Mỹ Nixon chịu trận bài thuyết giảng khó nhằn nhất về chiến tranh Việt Nam từ Liên Xô

Nixon đến Moscow, 1972.
Nixon đến Moscow, 1972.

Không những không được Liên Xô giúp đỡ, Nixon còn phải chịu trận bài thuyết giảng khó nhằn nhất và dài nhất trong đời về chiến tranh Việt Nam.

Moscow, ngày 24 tháng 5 năm 1972.

Nixon mở đầu với việc tố miền Bắc tiến hành tổng tấn công Phục sinh (Xuân – Hè 1972), và đe dọa sẵn sàng đánh 3 năm nữa.

Đến lượt Brezhnev:
“… Chúng ta không nên bới móc quá khứ, nhưng sự thực là hiệp định Geneva đã bị vi phạm thô thiển. Phải chỉ ra hiệp định đã bị vi phạm như thế nào. Sự thật là tổng tuyển cử theo hiệp định quy định đã không được tổ chức, và chẳng có gì là bí mật rằng vì sao lại vậy. Lúc đó ai chẳng rõ người nào sẽ thắng bầu cử và người Việt sẽ chọn bên nào.

Câu hỏi là tại sao người Việt lại không được chọn người lãnh đạo? Tại sao giải pháp cho vấn đề Việt Nam không đến từ Việt Nam mà lại từ Washington? Thật là một logic kỳ quặc. Chẳng ai mời các ngài đến Việt Nam; các ngài đến với một đội quân đông đảo rồi lại nói rằng đang tự vệ. Các ngài đến một nước khác không thuộc về mình rồi nói mình tự vệ. Kỳ quặc thật. Dựa trên luật pháp nào? Chẳng có luật nào như thế cả. Chỉ có thể gọi đó là sự xâm lược thuần túy.

Giờ ngài nói muốn kết thúc chiến tranh và đang bình tĩnh đặt vấn đề. Nhưng đồng thời lại ném bom tàn bạo không chỉ trên chiến trường mà còn vào dân thường. Và ngài gọi đó là phương pháp kết thúc chiến tranh. Đó chỉ có thể gọi là chủ tâm hủy diệt một đất nước, giết hàng triệu người vô tội. Vì lý gì, và để được gì? Vì sao phải khởi xướng một cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cuộc chiến chống lại một đất nước nhỏ bé cách xa mà chẳng hề cũng như chẳng có cách nào để có thể đe dọa nước Mỹ…

Giờ tôi muốn nói. Tôi nghĩ rằng KHÔNG thực tế tí nào nếu chúng ta cùng ký vào một văn bản chung nêu quan điểm của hai bên về vấn đề Việt Nam, vì nhiều nước sẽ chẳng thể hiểu được. Tôi biết rằng ngài và Trung Quốc đã cùng ra thông điệp chung, nói “hai bên nêu quan điểm”. Họ cứ có lợi là làm mà không thực sự theo đuổi một nguyên tắc nhất quán về chính sách ngoại giao. Nhưng chúng tôi không phải là Trung Quốc…

Chúng ta nói chuyện thẳng thắn vì chúng ta là chính trị gia. Chúng tôi không đặt bất kỳ điều kiện gì. Chúng tôi chỉ muốn kết thúc chiến tranh. Chúng tôi cho rằng người Việt sẽ tự quyết định. Họ đề xuất chính phủ liên hiệp. Chúng tôi tin tưởng đó hoàn toàn là việc của họ, không phải của chúng ta. Chính phủ đó là cộng sản hay không là việc của họ.”

Thủ tướng Kosygin tiếp lời:
“…Thẳng thắn mà nói, tôi cho rằng ngài còn tàn bạo hơn cả Johnson. Nhưng chẳng được gì đâu.

Bắc Việt có thể dễ dàng mời nước khác đến giúp. Rất nhiều nơi đề nghị được hỗ trợ Việt Nam về quân sự. Trung Quốc nóng lòng muốn đến Việt Nam đánh với Mỹ một trận. Mặc dù rất khó khăn, nhưng Việt Nam KHÔNG BAO GIỜ cho ai can thiệp vào cuộc chiến. Việc này cần phân tích dưới góc độ lịch sử. Mỹ thì nhảy vào Việt Nam theo đề nghị của đám lính đánh thuê trong vai lãnh đạo quốc gia; Bắc Việt thì không bao giờ chấp nhận các đề nghị gửi quân đến từ các nước khác, dù Trung Quốc khăng khăng muốn đến, và nhiều nước khác kể muốn cử quân tình nguyện, kể cả nước không cộng sản. Và hiển nhiên là Việt Nam đang có lợi thế.”

Brezhnev: “Vì quan điểm là họ muốn hòa bình chứ không muốn dấn thân vào cuộc chiến lớn.”

Kosygin nắn gân: “Ngài tổng thống, tôi nghĩ rằng ngài đánh giá quá cao việc giải quyết vấn đề bằng sức mạnh quân sự. Đến thời điểm nguy cấp, có thể Việt Nam sẽ không từ chối đề nghị gửi quân từ các nước nữa đâu.”

Nixon: “Chúng tôi chẳng ngán tẹo nào, nhưng ngài cứ nói tiếp đi.”

Kosygin: “Đó là phân tích về cái có thể xảy ra, còn nghiêm trọng hơn cả mức nguy cơ… Ngài vẫn có thể góp phần kết thúc chiến tranh để mang lại hòa bình cho khu vực. Để giải quyết vấn đề, ngài nói không muốn dùng vũ lực trong khi lại đang hủy diệt Việt Nam, thẳng thắn là sẽ chẳng có vinh quang cho nước Mỹ và bản thân ngài.

Giờ vấn đề căn bản là gì? Ngài nói muốn rút quân và Việt Nam hoan nghênh. Ngài nói muốn đem tù binh Mỹ về. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tuyên bố rằng ngay khi chiến tranh kết thúc thì sẽ thả tù binh. Vấn đề này cũng đã xong. Vấn đề thứ ba là về thành lập chính phủ. Họ nói sẵn lòng thiết lập chính phủ 3 thành phần. Tiến sĩ Kissinger đã biết điều này.

Chỉ còn một vấn đề cuối cùng. Ngài vẫn muốn giữ lại cái gọi là tổng thống Nam Việt Nam, ai đó mà ngài gọi là tổng thống, người chẳng được ai chọn cả.”

Nixon: “Thế ai chọn Chủ tịch Bắc Việt Nam?”

Kosygin: “Toàn dân.”

Nixon: “Mời ngài nói tiếp.”

Podgony (Chủ tịch Xô viết tối cao): “Cố chủ tịch Hồ Chí Minh thậm chí còn được người dân Nam Việt Nam kính trọng và coi là chủ tịch của mình.”

Kosygin: “Để giữ lại ông ta (Thiệu), ngài muốn đẩy hàng trăm ngàn, thậm chí đến hàng triệu người Việt, cùng với lính của ngài tới chỗ chết, chỉ để giữ lại bộ da của một tổng thống đánh thuê. Chúng tôi biết rõ các lãnh đạo Việt Nam nhiều năm, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng. Họ rất kiên định, quyết tâm, và có kinh nghiệm đấu tranh vô cùng to lớn, cống hiến hết mình vì nhân dân…

Chúng tôi tin rằng ngài sẽ được bầu thêm 4 năm nữa. Đó (4 năm) chỉ là một khoảnh khắc của lịch sử, nhưng nếu ngài có thể tìm ra giải pháp, ngài sẽ đi vào lịch sử như là người đã gỡ được nút thắt mà các tổng thống tiền nhiệm không làm được. Để đạt được, có đáng để hy sinh khúc gỗ mục là cái chính quyền ở Sài Gòn hay không?”

Podgony: “… Hiển nhiên không cần nói thêm rằng Việt Nam là đất nước nhỏ bé nhưng người dân anh hùng, tôi tin rằng ngài cũng nhận ra họ yêu tự do và anh dũng. Bất kể ngài đem đến bao nhiêu tàu chiến máy bay, họ không bao giờ từ bỏ chiến đấu vì độc lập. Thực tế là họ đã chiến đấu liên tục trong suốt lịch sử vì độc lập và tự do. Họ chiến đấu chống Trung Quốc nhiều thế kỷ. Họ chống Pháp nhiều năm. Đến năm 1954, giấc mơ của họ đã đến cùng hiệp định Geneva khi sẽ có độc lập tự do, được tự do chọn chính quyền theo ý mình. Thật buồn là giấc mơ đã không trở thành sự thật…”

Brezhnev: “Ngài tổng thống, tôi nghĩ rằng chúng ta nên kết thúc thảo luận hôm nay. Chúng ta đều đã nêu quan điểm của mình.”

Nixon đổ cho tổng thống tiền nhiệm đưa quân vào Việt Nam, tiếp tục tố cáo miền Bắc tổng tấn công là vi phạm hiệp định Geneva, rồi kết lại: Tôi không yêu cầu lãnh đạo Liên Xô tìm ra giải pháp, nhưng các ngài có ẢNH HƯỞNG đáng kể tới đồng minh của mình. Chúng tôi sẽ biết lý lẽ bên bàn đàm phán, nhưng không muốn cứ bị bên kia (Việt Nam) thể hiện thái độ chỉ đạo như vẫn diễn ra. Nhưng chúng tôi sẽ tính lại và có lẽ tiến sĩ Kissinger với trí tuệ của mình sẽ đưa ra được đề xuất mới.

Kosygin: “Ông ấy sẽ nghĩ ra, hy vọng ông ấy sẽ nghĩ ra.”

Nixon vớt vát: “Các ngài có thể giúp chúng tôi được không (tham gia vào giải pháp đàm phán)?”

Kosygin châm biếm: “Trí tuệ kiểu gì mà không nghĩ ra nổi đề xuất vậy?”

Nixon lạnh lùng: “Tôi nghĩ chúng tôi đã làm các chủ nhà tốn quá nhiều thời gian cho cuộc thảo luận này.”

Đến lúc này, Nixon đã thực sự hiểu ra không có Trung- Xô nào có thể can thiệp vào đàm phán tại Paris.

Nguồn: Tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam (Viet Nam War)
(Lược trích từ https://history.state.gov/historicaldocuments/frus1969-76v14/d271)