Hội nghị quân sự ở Chiến khu Đ ngày 15.2.1961 đã quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang ở miền Nam Việt Nam thành Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là lực lượng vũ trang trong thành phần của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960-1976) và chịu quản lý của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976). Các đơn vị bộ đội chủ lực tính đến tháng 12 năm 1974 có số lượng hơn 90.000 người. Mỹ và VNCH gọi vắn tắt lực lượng này là quân “Việt Cộng” (Viet Cong’s Army).
Minh họa 1 “chiến binh Việt Cộng” (Viet Cong fighter) trên Osprey. Trang bị cơ bản (từ trên xuống) bao gồm:
– AK-47 báng gấp
– Bình dầu súng (tổng cộng 4 loại, ký hiệu trên bình là “A” thì dùng lau chùi, ký hiệu “O” là loại dùng bôi trơn)
– Xẻng kiểu Trung Quốc, có bao da.
– Dây đeo băng đạn AK kiểu Trung Quốc trước ngực, túi nhỏ hơn hai bên chứa bộ công cụ lau chùi, bảo dưỡng súng, hoặc đạn rời. Nếu dùng súng SKS thì đeo dây đạn loại 10 túi nhỏ ở hình dưới cùng, mỗi túi chứa 2 băng đạn 10 viên.
– Túi đeo 2 quả lựu đạn RGD-33 (còn gọi là lựu đạn chày).
– Ba lô đựng vật dụng cá nhân như quần áo, giày dép, võng, màn, bát đũa…..
– Bi đông bằng nhôm đựng nước.
– Túi vải cotton (ruột tượng) chứa gạo (khoảng 7 kg mỗi người nếu hành quân xa)
Lối vẽ minh họa “Việt Cộng” gầy nhom, hốc hác này có lẽ ảnh hưởng từ sự tuyên truyền của tâm lý chiến Mỹ và VNCH (kiểu “răng đen mã tấu dép râu”, “7 thằng leo cành đu đủ không gãy”, “bụng toàn rau muống”…..).
Có chuyện rằng đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ cách mạng miền Nam vào sân bay Tân Sơn Nhất theo hiệp định Pari, lúc đầu còn bị chặn lại vì nghi….”Việt Cộng” giả (do tướng Trần Văn Danh phó đoàn có dáng người to cao, mập mạp, trắng trẻo).