Trên danh nghĩa, đây là một bước tiến quan trọng trong việc chính thức bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, còn thực tế là sự công khai hóa mối quan hệ ngấm ngầm trước nay của Trung-Mỹ kể từ đầu 1970, sau sự kiện xung đột biên giới Xô-Trung.
Theo cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trả lời phỏng vấn trên báo New York Times, Washington Post, thì Mỹ và Trung Quốc đã thường xuyên “đi đêm” với nhau. Kissinger đã nhiều lần sang Trung Quốc mật đàm với Chu Ân Lai, Hoa Quốc Phong.
Từ đó, Trung Quốc phát triển thành sách lược ngoại giao “liên Mỹ đả Việt” (聯美打越). Họ tìm đến nhau, sử dụng nhau, lợi dụng nhau, và cần nhau. Họ có cùng chung địch thủ là Liên Xô và Việt Nam. Bắt đầu từ đó, Trung Quốc đã bắt đầu giở trò viện trợ đạn thối, vũ khí hỏng, cũ kỹ, giấu không giao lại một số hàng Liên Xô viện trợ, viện cớ hư hỏng, hoặc tháo gỡ bớt một số tính năng vũ khí của Liên Xô, vô hiệu hóa một số tác dụng, làm giảm hiệu quả tác chiến.
Năm 1973, sau Hiệp định Paris về Việt Nam, Trung Quốc “khuyên” Việt Nam “trường kỳ mai phục”, ẩn nhẫn chờ thời, thực chất là “nằm chờ sung rụng”, tương tự như họ từng “khuyên” với luận điệu như thế sau Hiệp định Genève về Đông Dương, tóm lại là họ “xui đểu” chúng ta không nên làm gì cả, họ không muốn Việt Nam thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Có qua có lại, Mỹ cũng gây sức ép lên Liên Hiệp Quốc để công nhận chính quyền Bắc Kinh là thành viên Hội đồng bảo an. Nghị quyết 2758 đã được thông qua vào ngày 25 tháng 10 năm 1971, công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “người đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc” và tuyên bố trục xuất “các đại diện của Tưởng Giới Thạch khỏi nơi mà họ chiếm giữ bất hợp pháp tại Liên Hiệp Quốc”.
Phái đoàn Đài Loan trước nguy cơ bị làm nhục đã phải bỏ về ngay trước phiên họp cuối cùng, khi nhận ra kết quả đã được Mỹ đạo diễn từ trước.
Có thể nói rằng cái hợp đồng “buôn bán đồng minh” giữa Mỹ và Trung Quốc đã không thể thanh lý được, do Việt Nam kiên quyết không chịu làm mặt hàng. Chúng ta đẩy mạnh việc tự sản xuất vũ khí, đạn dược, Liên Xô cũng dần dần chuyển hướng viện trợ chủ yếu sang đường không và đường biển. Dù xưng hô “anh em”, “đồng chí”, song thái độ cảnh giác của người Việt với phương Bắc vẫn giống như ngàn năm trước. Trong chiến dịch mùa xuân 1975, sư đoàn 308 – sư đoàn được thành lập đầu tiên và là một trong những đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội nhân dân Việt Nam, đã được để lại bảo vệ miền Bắc chứ không vào Nam chiến đấu.
Ngày 29 tháng 1 năm 1979, khi đã cơ bản tập kết xong xuôi quân đội ở biên giới, Đặng Tiểu Bình bay sang thăm Mỹ để đảm bảo cuộc xâm lược Việt Nam sẽ không gặp trở ngại gì. Ngày 30/1, trong cuộc họp bí mật lần thứ nhất tại Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Mỹ, Đặng Tiểu Bình đã nói: “Chúng tôi không thể cho phép Việt Nam gây rối loạn khắp nơi, vì hòa bình và ổn định của thế giới, vì chính đất nước mình, chúng tôi có khả năng không thể không làm làm những việc mà chúng tôi không muốn làm”
Ngoại trưởng Henry Kissinger khi nói về Chiến tranh biên giới Việt – Trung, đã thừa nhận: “Trung Quốc giúp đỡ Hà Nội để làm cùn bớt lưỡi dao của Mỹ thọc vào châu Á.”, “Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam, chiến thắng vào năm 1975, chính là mối đe dọa chiến lược to lớn đối với Trung Quốc còn hơn đối với Mỹ”.