Trang chủ Kiến Thức CUỘC CHIẾN CỦA NHỮNG CÁI BÀN – SỰ KHỞI ĐẦU GIAN TRUÂN...

CUỘC CHIẾN CỦA NHỮNG CÁI BÀN – SỰ KHỞI ĐẦU GIAN TRUÂN CỦA ĐÀM PHÁN HÒA BÌNH PARIS

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Hòa Bình Paris được ký kết dưới cái tên đầy đủ “Hiệp Định về Chấm Dứt Chiến Tranh và Lập Lại Hòa Bình ở Việt Nam” (tên tiếng Anh: Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Vietnam) tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Paris, Pháp, đánh dấu cái kết cho cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và Đông Dương.

Cuộc đàm phán kéo dài gần 5 năm này tưởng chừng có những giây phút đứt đoạn không thể hàn gắn đã làm tốn không ít giấy mực của giới sử học. Tuy nhiên, nhiều người có thể không biết rằng để cuộc đàm phán này được bắt đầu, lãnh đạo Mỹ và Việt Nam đã phải trải qua gần một năm trời thảo luận căng thẳng chỉ để thống nhất những vấn đề hậu cần tưởng chừng như vô cùng nhỏ nhặt.

Những giai thoại bên lề trong công tác chuẩn bị đàm phán đó sau này được biết đến với cái tên “Cuộc chiến của những cái bàn”.

Bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973

Tổng quan tình hình và tác động của Tết Mậu Thân 1968

Mặc cho nỗ lực chi viện của Washington và Hà Nội vào miền Nam từ sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ 1964, tình hình chiến trường đang ở trong thế bế tắc cho cả hai phía. Phong trào giải phóng chưa đạt được chiến thắng nào mang tính chất quyết định cho thấy sự hiện diện đủ lớn của quân lực tại miền Nam; mặt khác, Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn loay hoay tìm kiếm công thức đánh bại Việt cộng với hàng loạt phép thử không mang lại hiệu quả như mong đợi về mặt chiến lược như ‘chiến dịch Tìm-Diệt’, chiến dịch Sấm Rền, cùng Kế hoạch 100. Đương nhiên, với một bàn cờ quân sự thế cục không rõ ràng như vậy, không bên nào muốn ngồi vào bàn đàm phán dù đã có nhiều lời kêu gọi hòa bình từ thế giới.

Một trong những người đã cố gắng thúc đẩy đàm phán hòa bình là Tổng thư ký Liên Hiệp quốc lúc bấy giờ U Thant: vào năm 1964-1965, khi cuộc chiến bắt đầu có dấu hiệu leo thang, ông đã gửi thư kêu gọi chính phủ Mỹ, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH), và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ngồi vào bàn đám phán. Tuy nhiên, đề nghị đã bị rơi vào quên lãng nhanh chóng khi cả Mỹ và VNDCCH không tìm được tiếng nói chung về điều kiện tiền đề cho đàm phán[1].

Cả hai phe đều hiểu rõ rằng điều tiên quyết để đạt được thắng lợi trên bàn ngoại giao, theo sự toan tính của người cầm quân, là chiến thắng rõ ràng trên chiến trường thực tế. Với tình hình miền Nam Việt Nam 1967, chính quyền VNDCCH và Hoa Kỳ đều không vội vã tiến đến bàn đàm phán. Điều cần thiết lúc này là một nước cờ táo bạo phá vỡ thế bế tắc.

Trong bối cảnh gia tăng sức ép từ Mỹ và Sài Gòn, cộng với sự quyết liệt từ phe chủ chiến tại Hà Nội, giao thừa Tết Mậu Thân (đêm 29 – rạng sáng 30/1/1968), chính quyền miền Bắc phát động cuộc nổi dậy và tổng tấn công dọc miền Nam, trải dài từ ranh giới ngừng bắn tới Cà Mau. Sự kiện này đã tạo ra một cơn địa chấn tại Hoa Kỳ, phá tan viễn cảnh chiến thắng mà Tổng thống Johnson và tướng William Westmoreland đang dày công tô vẽ để tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng. Là cuộc chiến tranh đầu tiên được các nhà báo áp dụng công nghệ ghi hình và chụp ảnh hiện đại, Tết 1968 làm dấy lên làn sóng phản đối chiến tranh ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.

Sự khốc liệt của chiến tranh giờ đây được truyền tải bởi hình ảnh và video sống động

Ngày 31/3/1968, tổng thống Johnson chính thức rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng trên truyền hình quốc gia. Cũng trong chính bài phát biểu này, Johnson thông báo về việc “ngừng chiến dịch đánh bom tại miền Bắc…Chúng tôi [chính quyền Mỹ] đề nghị thực hiện đàm phán ngay lập tức, đồng thời đề nghị họ [Hà Nội] sẽ thực sự nghiêm túc tìm kiếm giải pháp hòa bình.”[4]

Đàm phán cho cuộc đàm phán

Người Việt Nam có câu nói ‘Vạn sự khởi đầu nan’, và đàm phán Paris cũng không là một ngoại lệ. Để khởi động tiến trình hòa bình, bên cạnh những vấn đề vô cùng chính đáng liên quan trực tiếp tới lợi ích các bên và các thỏa thuận lập lại hòa bình tại Việt Nam như thỏa thuận ngừng ném bom, các nhà ngoại giao tại Paris cũng như các chính trị gia tại Mỹ và Việt Nam lại vấp phải những rào cản thủ tục tưởng chừng vô cùng đơn giản. Thậm chí, có lúc những trở ngại này đã gần như trở thành nút thắt then chốt cho sự thành bại của đàm phán.

Tranh cãi đầu tiên: Ở đâu?

Từ khi ý tưởng về đàm phán hòa bình được nhắc đến lần đầu vào năm 1965 bởi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant, Washington đã từng từ chối địa điểm Rangoon (Myanmar) dưới lý do địa điểm này không phù hợp với chính quyền Sài Gòn. Tài liệu từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy địa điểm là một trong những nút thắt khó chịu trong tháng 4/1968.

Theo tổng hợp của Tiến sỹ Jeffrey H. Michaels, phía Hoa Kỳ đầu tiên đề xuất Geneva, tuy nhiên, Hà Nội đã từ chối vì cho rằng nơi đây có những “ký ức không đẹp”, tại Geneve bản hiệp ước chia đôi Việt Nam đã ra đời. Phía Hà Nội sau đó đề xuất Phnom Penh, Washington không chấp thuận vì đây là một cứ điểm của Việt Cộng. Phía Mỹ sau đó đã đề xuất 5 thủ đô khác trong khi phía VNDCCH đề xuất Warsaw. Mỹ đương nhiên không chấp nhận một địa điểm sâu trong lãnh thổ phe Cộng Sản và đã đề xuất 9 địa điểm khác nhưng đều không đạt được thỏa thuận[5].

Trong khi đó, nhiều bên trung gian cũng tham gia vào quá trình lựa chọn địa điểm này. Cụ thể, Indonesia đã từng đề nghị đưa một chiến thuyền của họ vào Vịnh Bắc Bộ để làm nơi đàm phán. Tổng giám mục Vantican cũng đã ngỏ lời đàm phán có thể thực hiện tại Vantican. Ngoài ra, Mỹ cũng đã đề xuất Thủ tướng Ấn Độ lúc đó, ông Indira Gandhi, đề xuất các địa điểm để thực hiện đàm phán, bao gồm Bucharest, Algiers, Dar es Salaam, và Cairo; tuy nhiên, Mỹ cũng nhấn mạnh các đề xuất này phải được trình bày như là ý kiến ‘của Ấn Độ’[6].

Cuối cùng, sau một tháng đàm phán, ngày 1/5/1968, Hà Nội ‘đánh tiếng’ chấp nhận địa điểm Paris. Tổng thống Johnson đã vô cùng bất mãn: “Tôi thà đi đến gần như bất kỳ một nơi nào khác, trừ Paris”. Trợ lý của ông, Rostow chỉ ra rằng ít nhất thì những người bạn Nam Việt của họ sẽ được thoải mái hơn là ở Warsaw. Johnson miễn cưỡng chấp thuận với địa điểm này[7].

Tranh cãi chính: Ai?

Ngay khi thống nhất được địa điểm, một vấn đề thứ hai ngay lập tức xuất hiện: Ai có quyền ngồi vào bàn đàm phán tại Paris?

Xin được nhắc lại là tại lãnh thổ Việt Nam vào thời điểm đó đang có bốn lực lượng đang tham chiến:

  • Quân đội Hoa Kỳ
  • Quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH)
  • Quân đội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH)
  • Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP)

Trong khi Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xác nhận tính chính thống của nhau và đã thiết lập liên lạc ngoại giao, hai thành phần còn lại vẫn là điểm gây tranh cãi tại bàn đàm phán. Chính phủ VNDCCH không công nhận tính chính thống của Chính phủ VNCH trong khi Chính phủ Hoa Kỳ cần VNCH là tiền đề cho sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Hoa Kỳ không thể đàm phán ‘thay’ cho một chính phủ có chủ quyền thực sự.

Ngược lại, Hoa Kỳ không chấp nhận MTDTGP vì như vậy đồng nghĩa với việc công nhận một chính quyền thứ 2 tại Nam Việt Nam, giảm tính chính danh của VNCH như Henry Kissinger về sau này đã nhận xét: ‘Trong mọi cuộc xung đột mang tính cách mạng, việc chấp nhận quân du kích với tư cách là một đối tác đàm phán chính là trở ngại lớn nhất đối với các cuộc đàm phán, vì nó buộc chính phủ phải công nhận tính hợp pháp của đối thủ đang quyết tâm lật đổ chính chính phủ đó.’[8] Trong khi đó, VNDCCH cần có sự hiện diện của MTDTGP cũng chính bởi cùng 1 lý do với Hoa Kỳ – bàn đám phán có MTDTGP sẽ phủ nhận tính chính thống của VNCH và củng cố tính đúng đắn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

          Vào tháng 10/1968, khi bước đầu ấn định đàm phán đã đạt được những tín hiệu khả quan – Hoa Kỳ chấp nhận ngừng ném bom và Bắc Việt ngừng tấn công dưới dải DMZ. Trên bàn ngoại giao, các bên liên quan dường như đều bắt đầu chấp nhận phương án có đại diện từ bốn đoàn, tuy nhiên sẽ được nhắc tới với phương án “phe ta/phe bạn” (được biết đến là “your side-our side” formula, hay còn gọi là cuộc phương án hai-đoàn). Theo đó, đàm phán chính thức sẽ có mặt cả bốn bên, nhưng đàm phán không công khai sẽ chỉ có Hoa Kỳ và VNDCCH. Với cách sắp xếp này, phía Mỹ – VNCH có thể coi như đây là một cuộc đàm phán hai bên (ngầm không công nhận MTDTGP), còn phía VNDCCH – MTGPDT vẫn tự coi đây là cuộc đàm phán bốn bên (ngầm coi đây là một chiến thắng buộc đối thủ phải công nhận tính chính thống của MTDTGP).

          Dù ba phái đoàn còn lại đều đồng ý với phương án ‘linh hoạt’ trên, VNCH đã lật kèo vào phút cuối, khiến vấn đề này kéo dài sang tận tháng 11/1968. Điều đáng nói là thái độ lật lọng của VNCH, chính xác là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, lại khởi nguồn từ chính nước Mỹ. Tại Washington khi đó, chính trường Hoa Kỳ đang trong giai đoạn vô cùng cam go do cuộc chạy đua Tổng thống nhiệm kỳ mới. Trong lúc chính quyền Johnson đang nỗ lực hết mình để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đàm phán, ứng cử viên đảng đối lập là Nixon cho rằng thành công bước đầu của hội đàm Paris sẽ là một yếu tố có lợi cho phó Tổng thống Hubert Humphrey trên đường đua. Chính vì vậy, phe Cộng Hòa đã có một bước đi đầy toan tính nhằm ngăn chặn cuộc đàm phán này. Các tư liệu sau cuộc chiến dần hé lộ cho thấy Henry Kissinger, khi đó vẫn đang làm giáo sư ngành chính trị học tại đại học Harvard, đã chủ động tìm cách liên hệ và thông tin tới chính quyền Việt Nam Cộng Hòa rằng hãy trì hoãn đàm phán, chờ qua bầu cử tại Hoa Kỳ vì chính quyền mới của Nixon chắc chắn sẽ tăng cường hỗ trợ để VNCH có vị thế tốt hơn trong thương lượng. Sự can thiệp này được biết đến trong lịch sử là Vụ Việc Chennault (Chennault Affair/Scandal), vì Anna Chennault chính là người đã móc nối truyền thông tin giữa Đảng Cộng Hòa và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

          Với lời hứa của Nixon, đúng vào ngày 31/10/1968, khi Johnson đưa ra thông báo ngừng thả bom miền Bắc và ấn định ngày đầu tiên bắt đầu Hội đàm Hòa Bình Mở Rộng (Expanded Peace Conference) là ngày 6/11/1968, Nguyễn Văn Thiệu đột ngột thay đổi thái độ, từ chối đưa ra phát biểu chung với Hoa Kỳ cũng như cử đại diện tới Paris: “Quyền hợp pháp của chính quyền chúng tôi [Việt Nam Cộng Hòa] là không chấp nhận đàm phán với Hà Nội khi MTDTGP là một cá thể độc lập … Nếu chúng tôi tham gia đàm phán với MTDTGP, điều đó cho thấy sự tan rã của cả quốc gia.”[9]

           Ngày 5/11/1968 (giờ Mỹ), Richard Nixon thắng cử, trở thành Tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ thứ 37. Một ngày sau, phía Hoa Kỳ thống báo tạm hoãn cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa bốn bên.[10]

           Chính quyền VNCH có vẻ như đã thành công trì hoãn tiến trình hòa bình cho tới ngày Nhà Trắng có chủ nhân mới. Cảm thấy mình đang trên đà chiến thắng, vào những ngày cuối của chính quyền Johndon, Tổng thống Thiệu thậm chí còn đề xuất phương án với hai nội dung chính: (1) VNCH thay Mỹ đối thoại trực tiếp với VNDCCH và (2) MTGPMN thuộc đoàn của VNDCCH chứ không được công nhận độc lập.

Tuy nhiên, đáng buồn cho Tổng thống Thiệu, đến cuối tháng 11/1968, đoàn ngoại giao do ông cử tới Paris vẫn buộc phải ngồi vào bàn đàm phán theo phương án “phe ta/phe bạn” như Hoa Kỳ đề nghị từ tháng 10. VNCH không hề có một vị thế cao hơn so với một tháng trước đó.

Bốn đại diện ngoại giao: Bà Nguyễn Thị Bình – ông Nguyễn Duy Trinh, William Rogers – Nguyễn Văn Lâm

              Cuộc chiến của những cái bàn

           Thống nhất được địa điểm và thành phần tham dự, một vấn đề dường như không ai ngờ tới lại trở thành hàng rào cao nhất đứng giữa chiến tranh và hòa bình. Trong hàng tháng trời, đàm phán không thể được thực hiện vì các bên không thể thống nhất được hình dạng của bàn họp.

           ‘Cuộc chiến’ này thực tế vẫn là ‘tàn dư’ của câu chuyện bốn-đoàn hay hai-đoàn đàm phán. Tới tận thời điểm này, VNDCCH và Hoa Kỳ hoàn toàn chưa đưa ra một thống nhất rõ ràng nào rằng đây là một cuộc đàm phán hai-đoàn như Hoa Kỳ đã hứa với VNCH (cách sắp xếp phe ta/phe bạn là một cách mập mờ để hai bên tự hiểu theo ý của mình). Hay như một đại diện của VNCH đã nhận xét: “Rõ ràng là Mỹ và Hà Nội đã cùng hiểu rằng sự nhập nhằng trong giải pháp hai-phe là hành động cố tình để cả hai bên có thể tìm cách tháo gỡ bế tắc khi xảy ra.”[11]

Mang theo định kiến khác nhau về bản chất của cuộc đàm phán, mỗi bên có một hình dung khác nhau về cách cuộc hội đàm được tổ chức, cụ thể ở đây là hình dạng của bàn và cách sắp xếp chỗ ngồi. Đầu tiên, phía VNDCCH cho rằng cho rằng “đi vào đàm phán bốn bên các đoàn phải bình đẳng, độc lập với nhau, thể hiện vai trò và vị trí của mỗi bên và phản ánh tương quan lực lượng trên chiến trường. Do yêu cầu đề cao vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng ta đề nghị một bàn vuông, bốn đoàn ngồi bốn cạnh, hoặc một bàn hình thoi.”[12] Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ, trước sự phản ứng của chính quyền Thiệu, đề xuất hai bàn chữ nhật dài sắp xếp đối diện nhau, đại diện các bên sẽ chỉ ngồi đối diện nhau, không ngồi vào phần chiều rộng của bàn, đồng thời không có cờ hay bảng tên trên bàn.[13] Phía Bắc Việt không đồng ý với phương án này vì thiếu tính trang trọng của đàm phán quốc tế.

Suốt khoảng thời gian từ cuối năm 1968 tới giữa tháng 1/1969, hình dạng của bàn đàm phán đã trở thành một nút thắt gay gắt, thậm chí còn gây căng thẳng hơn các vấn đề về nội dung của cuộc đàm phán. Tuy nhiên, thực tế thì VNDCCH và Hoa Kỳ đều thể hiện thiện chí đàm phán bằng cách tìm kiếm giải pháp cho nhau: Hoa Kỳ đã đưa thêm sáu phương án khác nhau cho bàn tròn; phía Bắc Việt đã đồng ý với đề xuất bàn tròn, đồng ý không có cờ và bảng tên, đồng ý để phía Hoa Kỳ nói trước. Thành phần duy nhất luôn tỏ thái độ bất hợp tác là VNCH khi nhất quyết không chấp nhận giải pháp bàn tròn và mà yêu cầu hai bàn hình chữ nhật riêng rẽ.

Tình hình căng thẳng cho một vấn đề quá đỗi nhỏ nhặt đã khiến chính phủ Hoa Kỳ vô cùng khó chịu và bức xúc, nhất là khi phần lỗi lớn thuộc về đồng minh của họ. Trong một cuộc họp vào ngày 6/1/1969, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Clark McAdams Clifford đã bày tỏ sự tức giận của mình với tổng thống Johnson: “Sài Gòn biết rằng đề xuất này [đề xuất bàn tròn] được cả Hoa Kỳ và Hà Nội chấp thuận, nên bọn họ cứ câu giờ – Thiệu nói là ông ta ‘ốm’, nhưng ông ta vẫn có thể đi kiểm tra quân đội…Tôi nghĩ rằng chúng ta đã sai lầm – chúng ta trả tiền, chúng ta chiến đấu, chúng ta nợ chính bản thân chúng ta và cả đất nước Hoa Kỳ một cuộc đàm phàn…Thật là sai lầm – các chàng trai Mỹ bị giết hết tuần này qua tuần khác khi ngồi yên như một con rối thế này.”[14]

Ngày 7/1/1969, tổng thống Johnson đã gửi một bức thư tới tổng thống Thiệu với lời lẽ cứng rắn hơn nhằm thuyết phục ông ta đồng ý với phương án bàn tròn: “Tôi tuyệt đối tin tưởng rằng nếu chúng ta có sự chuẩn bị tốt, một chiếc bàn tròn hoàn toàn có thể truyền tải được nội dung họp hai-đoàn…Mong rằng ông sẽ không ép Hoa Kỳ phải cân nhắc lại thái độ của chúng tôi đối với Việt Nam.”[15]

Cuối cùng, vào ngày 15/1, đại sứ Liên Xô là người đã giúp xoay chuyển tình thế với phương án một bàn tròn phẳng lì, có hai bàn chữ nhật kê cách bàn tròn 0,45 mét đặt ở hai địa điểm đối diện nhau; hai bàn này dành cho thư ký. Đồng thời, sẽ không cờ hay bảng tên hay bất kỳ đánh dấu nào. Theo cách này, phía VNDCCH và MTGPDT có thể coi đây là một cuộc đàm phán bốn đoàn (bàn tròn ngồi đủ đại diện của bốn chính phủ); còn phía Hoa Kỳ và VNCH có thể gọi đây là cuộc đàm phán hai đoàn (có hai bàn thư ký). 

Bàn đàm phán tại Đàm phán Paris

Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Việt, “vì muốn giải quyết cho xong vấn đề thủ tục”, đã nhường để VNCH phát biểu trước trong buổi họp đầu tiên, sau đó đến Hoa Kỳ, MTGPTQ, rồi cuối cùng tới VNDCCH, buổi sau sẽ đổi ngược lại.

  Đồng thời, VNDCCH cũng thiện chí chấp nhận lời đề nghị của Mỹ tổ chức phiên họp bốn đoàn đầu tiên vào 18/1/1969, tức là trước khi Johnson mãn nhiệm hai ngày để tạo dấu ấn tốt đẹp cuối cùng cho nhiệm kỳ của ông.

Đám phán Paris và Hòa Bình trong tầm với

           Năm 1968-1969, với sự kiện Tết Mậu Thân và sự khởi đầu của đàm phán Paris được coi là bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đánh dấu một trang mới mở ra viễn cảnh hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ sau hơn một thập kỷ đầy khói lửa.

            Nhìn một cách khác, đàm phán Paris mở ra một cuộc chiến mới, “cuộc chiến tranh quanh tấm thảm xanh trong lúc bom vẫn nổ trên chiến trường”, như Lưu Văn Lợi đã nhận định[16]. ‘Cuộc chiến tranh’ mới này trên thực tế cũng kéo dài tới 5 năm, mang theo nó rất nhiều những điểm sáng tối, những toan tính chính trị nhằm trì hoãn thậm chí hủy bỏ tiến trình đàm phán, những nút thắt tưởng chừng sẽ dập tắt đi hi vọng hòa bình thống nhất. Cũng trong 5 năm này, chiến sự vẫn kéo dài với hàng triệu thương vong, và khoảng 20.000 tấn bom tiếp tục đổ xuống Việt Nam.

            Ngày 27/1/1973, Hiệp Định về Chấm Dứt Chiến Tranh và Lập Lại Hòa Bình ở Việt Nam chính thức được ký kết, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ tại thời điểm đó. Giai thoại về những cái bàn tại Paris, từ đó, cũng trở thành một phần của lịch sử.

Báo chí Mỹ đưa tin về thành công của đàm phán Paris

[1]Johnson, Walter. “The U Thant-Stevenson Peace Initiatives in Vietnam, 1964-1965.” <i>Diplomatic History</i> 1, no. 3 (1977): 285-95.

[2] General Westmoreland, William. 1967. “Meet the Press.” Transcript of speech broadcasted nationwide by the National Broadcasting Company, Inc., November 19, 1967. 

[3] Lunch, William L., and Peter W. Sperlich. “American Public Opinion and the War in Vietnam.” <i>The Western Political Quarterly</i> 32, no. 1 (1979): 21-44. Accessed August 16, 2021.

[4] Johnson, Lyndon. 1968. “Remarks on Decision not to Seek Re-election.” Transcript of speech, March 31, 1968.

[5] Michaels, Jeffrey. Elite Bargains and Political Deals Project: Vietnam Case Study. London: Stablisation Unit, 2018. Accessed August 13, 2021.

[6] FRUS Jan-Aug 1968, Document 126

[7] FRUS Jan-Aug 1968, Document 221

[8] Henry Kissinger, Ending the Vietnam War: A History of America’s Involvement in and Extrication From the Vietnam War. New York: Simon & Schuster, 2003. p.52

[9] FRUS Sep 1968 – Jan 1969, Document 170

[10] FRUS Sep 1968 – Jan 1969, Document 199

[11] FRUS Sep 1968 – Jan 1969, Document 250

[12] Lưu Văn Lợi, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ – Kissinger tại Paris, tr.41

[13] FRUS Sep 1968 – Jan 1969, Document 240

[14] FRUS Sep 1968 – Jan 1969, Document 275

[15] FRUS Sep 1968 – Jan 1969, Document 276

[16] Lưu Văn Lợi, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ – Kissinger tại Paris, tr.10