Nửa cuối thế kỷ 16 là thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng Oa Khấu. Từ Oa Khấu ban đầu dùng để chỉ cướp biển Nhật Bản, nhưng thực tế Oa Khấu có rất nhiều thành phần là người Trung Quốc, cụ thể là các sắc dân Mân, Tiều, Hẹ, Khách Gia … Do nhà Minh thi hành chính sách cấm biển, khiến đảo quốc như Nhật Bản bị cô lập, bắt buộc phải đẩy mạnh cướp biển và buôn bán phi pháp trên biển để nuôi dân. Bối cảnh cấm biển này cũng khiến giới thương buôn Trung Hoa không còn cách nào khác là trở thành những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, và rồi cũng trở thành cướp biển. Họ tự vũ trang để vừa buôn bán, vừa bảo vệ mình và đánh cướp để … cải thiện thu nhập. Nguồn lợi từ việc buôn bán đường biển (phi pháp) và cướp biển lớn khiến cho dân chài ven biển cũng tham gia như một nghề tay trái hoặc nghề chính.
Bấy giờ trong giới cướp biển có Vương Trực được hậu thuẫn của đại gia tộc Matsura, chiếm cứ 36 đảo trên vùng biển từ nam Nhật Bản đến biển Hoa Đông, lấy đảo Hirado thuộc Nagasaki, Nhật Bản làm căn cứ địa, đặt quốc hiệu là Tống. Thế lực của Vương Trực phát triển nhờ buôn bán với cả dân Trung Hoa, Nhật Bản và phương Tây. Vì nhà Minh bế quan tỏa cảng, Vương Trực gần như nắm độc quyền thương mại vùng biển Hoa Đông, nhanh chóng trở nên giàu mạnh. Vương Trực nhân đó chiêu binh, đóng thêm thuyền, đúc thêm súng và tấn công dọc ven biển nhà Minh.
Dưới trướng Vương Trực có các tướng Từ Hải, Trần Đông, Ma Diệp, Từ Hồng, Tân Ngũ Lang … Mỗi tướng cầm vài ngàn đền vài vạn thủy quân. Các đạo quân này bị Minh triều gọi là thế lực Thương Bang, hoặc Ngụy Oa Khấu. Trang bị của các đạo Oa Khấu và Ngụy Oa Khấu (theo cách gọi của nhà Minh) thời này đã tối tân nhất với pháo thuyền, súng hỏa mai, đao katana … Đó là nhờ vào việc thông thương với phương tây và do thuốc súng cũng là một trong những mặc hàng chủ chốt.
Đến đây, chắc vài người vỡ mộng vì hóa ra nhân vật anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất Từ Hải hóa ra là một tên hải tặc. Nhưng cần nhìn nhận một cách công bằng thì, cướp biển cũng có cướp biển this, cướp biển that. Tạm gọi những cướp biển dưới trướng Vương Trực là cướp biển hạng sang, họ xuất thân từ thương gia, bị bức bách trở thành cướp biển, liên kết với Oa Khấu vì lệnh cấm biển vô lý của triều đình nhà Minh. Mà Oa Khấu thực sự là ai ? Suy cho cùng đa số cũng chỉ là những người Nhật Bản khốn khổ trên một đất nước nghèo tài nguyên, lại bị kỳ thị, cấm cửa bởi Trung Hoa và Triều Tiên vì coi là “ngoài vòng thanh giáo”. Dưới sự chỉ huy thống nhất của Vương Trực, hoạt động thông thương biển trong vùng Hoa Đông được duy trì trật tự. Thuyền buôn thay vì đóng thuế cho triều đình thì đóng tiền bảo kê cho Vương Trực là yên ổn để buôn bán, vì hầu hết cướp biển, thuyền buôn, hải cảng trong vùng đều dưới quyền Vương Trực. Ai dám cướp phá thuyền buôn đã đóng “thuế” đều bị trừng trị.
Kể từ năm 1552, quân Thương Bang tấn công Chiết Giang mãnh liệt, thôn tính nhóm hải tặc Trần Tư Phán, cùng danh tướng Du Đại Du của nhà Minh giao tranh nhiều trận. Đến năm 1554 triều đình cử Hồ Tôn Hiến đến phụ trách, năm 1555 lại tăng cường thêm tướng Thích Kế Quang đều là những người tài giỏi. Từ Hải đóng quân ở Sạ Phố, chia binh đánh các thành Hàng Châu, Tô Châu, Hồ Châu … uy hiếp cả Nam Kinh là thủ phủ vùng phía nam nước Minh thời bấy giờ. Gọi là “triều đình riêng một góc trời, gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà” như trong Truyện Kiều thì hơi nói quá, nhưng quả thực Từ Hải là thủ lĩnh hùng mạnh nhất Thương Bang mà quân Minh triều không ai địch nổi. Thực đúng với câu : “Trước cờ ai dám tranh cường, năm năm hùng cứ một phương hải tần.” Hồ Tông Hiến sau vài phen bại trận chỉ có thể cố thủ ở thành Hàng Châu, bắt đầu thi hành kế chiêu an.
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, việc chiêu an này Thúy Kiều có tác động không nhỏ khi đã nhiều phen thuyết phục Từ Hải bằng đạo lý cũng như phân tích lợi hại khi về quy hàng triều đình. Sau khi nhận lễ của Hồ Tôn Hiến, Kiều đã nói về ân đức của vua Gia Tĩnh, đồng thời viện dẫn chuyện Hoàng Sào, vốn là một thủ lĩnh quân khởi nghĩa thời Đường dù hùng mạnh nhưng cuối cùng vẫn bại vong và bị sử sách chê là tặc loạn. Đây là mấu chốt trong lý lẽ của nàng Kiều, đánh vào lý tưởng của Từ Hải chứ không đơn thuần là quyền lợi, do đó khiến Từ Hải quyết chí quy hàng.
Ngoài đời thực, mọi chuyện quy hàng của Từ Hải lại không do Thúy Kiều, mà chủ yếu là do kế của Hồ Tôn Hiến tác động vào hậu phương của Từ Hải. Hồ Tông Hiến sớm đã cho người thương thuyết với Vương Trực, tuy chưa lung lạc được nhưng việc Vương Trực tiếp sứ của Minh triều đã khiến cho các tướng dưới trướng như Từ Hải, Trần Đông, Ma Diệp … sinh nghi hoặc. Kế đó, Hồ Tôn Hiến đồng thời sai sứ thuyết hàng các tướng Từ Hải, Trần Đông, Ma Diệp. Từ Hải sợ các tướng kia hàng trước sẽ đánh mình để tâng công, nên đã quy hàng Minh triều. Quả thực sau đó Vương Trực và các tướng lần lượt đã quy hàng Hồ Tôn Hiến và trở giáo đánh lại Oa Khấu người Nhật Bản. Từ Hải chỉ là một trong số các tướng quy hàng. Chính sách chiêu an của Hồ Tôn Hiến đến đây tạm gọi là thành công, nhưng không dừng lại ở đó. Hồ Tôn Hiến còn muốn diệt sạch mối lo, lần lượt gởi thư ly gián khiến các tướng Từ Hải, Trần Đông, Ma Diệp đem quân đánh lẫn nhau để lập công cho triều đình. Trong một đêm, Trần Đông dưới sự xúi dục của Hồ Tôn Hiến đem hết quân tập kích Từ Hải, Hồ Tôn Hiến lại thừa cơ thúc quân vây đánh. Từ Hải chống không nổi, chết trong trận chiến. Đó là vào năm 1556. Các tướng Trần Đông, Ma Diệp sau đó cũng bị bắt giết cả. Vương Trực được Hồ Tôn Hiến giữ lại Hàng Châu trọng đãi để làm đầu mối chiêu dụ cướp biển. Nhưng cũng chỉ được ít lâu, Hồ Tôn Hiến a dua theo các quan chức trong triều đình dâng sớ xin bắt chém Vương Trực.
Chính sách chiêu an hai mặt của Hồ Tôn Hiến từ đó phản tác dụng. Sau khi Từ Hải chết, các cánh quân hải tặc đã mất lòng tin vào việc chiêu an. Đến khi Vương Trực bị giết, không còn ai tin vào chiêu an nữa. Các nhóm hải tặc lúc này không còn đầu lĩnh chung, mạnh ai nấy đánh cướp khắp nơi, lại còn bắt giết quân dân thả cửa để trả thù. Công sức đánh dẹp mấy năm trời của nhà Minh tưởng như đã thành công trọn vẹn, giờ chỉ dừng lại ở mức phá được thế uy hiếp tồn vong của vương triều. Còn ngoài ra, toàn bộ vùng duyên hải nước Minh phải chịu nạn cướp biển hàng thế kỷ sau đó cho đến khi Minh triều sụp đổ. Hồ Tôn Hiến sau thành công ban đầu của chính sách chiêu an, rốt cuộc lại bị thất sủng và bị hạch tội vì đã thất bại vì chiêu an hai mặt làm cho loạn lạc tái diễn. Năm 1562, Hồ Tôn Hiến bị bãi chức về quê. Đến năm 1565 thì lại bị bắt vì dính dáng đến vây cánh của gian thần Nghiêm Tung, vốn là người đỡ đầu cho Hồ Tôn Hiến trong quan trường. Hiến tự sát chết trong ngục khi 54 tuổi.
nguoilytuong90