Là trận đánh quyết định giữa quân La Mã miền Tây do Caesar Julian chỉ huy và liên quân Alammanni do vua Chnodomar lãnh đạo ở Strasbourg gần sông Rhine, diễn ra vào tháng Tám năm 357 Công Nguyên. Chiến thắng quyết định của La Mã đã chấm dứt mối đe dọa từ người Alamanni và đem lại bình yên cho xứ Gaul suốt 10 năm sau đó.
1. Bối cảnh
Tháng 2 năm 350, hoàng đế La Mã miền Tây Constans bị phản bội và sát hại tại một ngôi đền gần dãy Pyrenees. Kẻ soán ngôi là Magnentius, chỉ huy vệ binh hoàng gia (Imperial Guard), ông xưng đế ngày 18 tháng 2 năm đó với sự ủng hộ của các binh đoàn sông Rhine. Không chấp nhận Magnentius là đồng cai trị, Constantius II, anh trai Constans và là hoàng đế miền Đông lập tức ký hòa ước với Ba Tư và đem quân sang miền Tây dẹp loạn. Sau cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 4 năm, Constantius II đánh bại Magnentius và tái thống nhất La Mã dưới quyền cai trị của bản thân. Suốt thời gian này, các man tộc Đức tràn vào đế chế qua các tuyến phòng thủ đã bị bỏ ngỏ do thiếu lực lượng canh giữ: liên minh Alamanni vượt sông Rhine, người Quadi và Sarmatia tiến đến sông Danube, còn ở phương Đông chiến sự với đế quốc Sassanids (Ba Tư) luôn là vấn đề trường kỳ và tiêu hao đáng kể sức mạnh của La Mã.
Năm 355, Constantius II đưa người họ hàng cuối cùng của mình còn sống sót là Julian lên làm Caesar (đồng kế vị) ở miền Tây. (chú thích: mỗi hoàng đế La Mã miền Đông và Tây đều xưng là Augustus và chỉ định một người kế vị là Caesar, mọi sắc lệnh triều đình đều được ban hành nhân danh cả 4 vị này. Constantius từng có một Caesar miền Đông là Gallus nhưng đã bị hành hình vì tội mưu phản). Mặc dù là một triết gia mới 23 tuổi và chưa từng có kinh nghiệm quân sự, song Julian nhanh chóng chứng tỏ mình là một chỉ huy xuất sắc và gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người. Trong lúc Constantius II bận rộn với việc khôi phục tuyến phòng thủ ven sông Danube, thì Julian tiến hành một chuỗi các chiến dịch thắng lợi chống lại quân Alamanni trong những năm 355-357, và dần dần đẩy lui lực lượng này khỏi xứ Gaul.
(Tuyến phòng ngự sông Rhine của đế quốc La Mã miền Tây, thế kỷ 4, Strasbourg nằm ở góc dưới, gần giữa, sát biên giới Alamanni)
Năm 357, trọng tâm chiến trường miền Tây là Alsace, vị trí chiến lược cung cấp tầm nhìn ra thung lũng sông Rhine. Cạnh đó là Metz-Strasbourg, con đường cao tốc lát đá dẫn vào trung tâm xứ Gaul. Các vị vua Alamanni đã huy động mọi lực lượng có thể, và một báo cáo trinh sát cho biết rằng các cánh quân Đức đã vượt sông Rhine liên tục ba ngày đêm. Ammianus cho biết khoảng 35.000 lính đã được tập trung (thực tế chừng 25.000) trên tổng số 150.000 dân. Trong lúc đó, mặc dù xứ Gaul thuộc La Mã có 10 triệu dân, nhưng do hậu quả của cuộc nội chiến và tình hình căng thẳng, Julian chỉ có thể huy động 13.000-15.000 lính, khoảng một nửa binh lực hiện có. Tự tin vào ưu thế số lượng, vua Chnodomar-thủ lĩnh Alamanni, gửi tối hậu thư yêu cầu Julian rút khỏi Alsace. Vị Caesar trẻ tuổi đứng trước 3 lựa chọn: rút lui, cố thủ chờ viện binh hay chủ động tấn công. Sau khi bàn bạc và cân nhắc kỹ, Julian quyết định xuất quân.
2. Lực lượng và trang bị:
Julian có trong tay bốn đến năm Legion (khoảng 1000 người mỗi quân đoàn), ba đơn vị vệ binh (mỗi đơn vị 600 bộ binh nặng), 600 lính cho mỗi liên đội kỵ binh Dalmatae (kỵ nhẹ phóng lao), Clibinarii (kỵ binh nặng bọc giáp cả người lẫn ngựa, mang một cây trường thương nặng và một thanh kiếm), kỵ cung Equites Sarigttari và kỵ binh nặng Cataphract, tổng số kỵ binh là 3000 người. Ngoài ra còn hơn 1000 cung thủ Sagitarii sử dụng cung cong tổng hợp (recurve bow), và nếu tính cả các lực lượng trợ chiến khác (Auxiliary) thì quân La Mã tổng cộng có 13.000-15.000 người. Một đơn vị sử dụng ballista (máy bắn tên) yểm trợ từ trên đồi (không rõ số lượng). Lính La Mã được bảo vệ tốt với giáp lưới (chain mail), khiên tròn hoặc oval rộng bản và mũ sắt. Vũ khí phổ biến là kiếm dài Spatha, giáo Hasta, một cây giáo ném hoặc hai đến ba cây lao (javelin), cùng với nửa tá phi tiêu hạng nặng (plumbata) gắn trên khiên, có cự ly tác chiến khoảng 30 mét. Tất cả trang bị của La Mã đều được sản xuất trong các công xưởng vũ khí (fabricae) với tiêu chuẩn hóa cao và đạt chất lượng hoàn hảo.
(Bộ binh La Mã thế kỷ thứ Tư)
Con số 25.000 lính Đức ở Strasbourg được chấp nhận rộng rãi, dựa trên giả định về quy mô và mức đóng góp của các thủ lĩnh bộ tộc, cũng như lính đánh thuê. Chiến binh Đức có phẩm chất chiến đấu cá nhân thậm chí còn tốt hơn La Mã. Thành phần tinh nhuệ nhất trong lực lượng của Chnodomar là vệ binh hoàng gia Regales, các kiếm sĩ tóc dài và các Berserker dùng đại kiếm hai tay với khiên rộng bản đeo lưng. Một số người từng là cựu binh trong các quân đoàn La Mã. Tuy nhiên, công nghệ của Alamanni vẫn còn lạc hậu, phần lớn vũ khí và giáp trụ của họ chỉ là bản sao của La Mã với phẩm chất kém hơn. Thép đã được sản xuất nhưng chỉ ở quy mô nhỏ, các vũ khí cận chiến như rìu và dao chỉ bằng sắt chưa tôi cứng. Chỉ tầng lớp quý tộc mới có thể trang bị giáp và mũ sắt, cũng như giới tinh hoa mới có tư cách sử dụng kiếm. Phần lớn chiến binh chỉ có giáo và khiên nhỏ, kèm lao ngắn hoặc rìu ném (franciscas), có thể mang thêm một số phi tiêu (gọi là arundines ferratae). Cung sử dụng là loại trường cung truyền thống (longbow) bằng gỗ thủy tùng, nó đủ uy lực để bắn xuyên giáp nhưng khá vướng víu để chiến đấu trong đội hình, và không thể mang lên ngựa. Một số quý tộc Đức đã bỏ ngựa đánh bộ, vì biết rằng không thể chọi cứng với kỵ nặng La Mã, hơn nữa rừng rậm xứ Germania không cho phép sử dụng kỵ binh quy mô lớn. Nếu tính đến con số 7% kỵ binh trong biên chế một quân đoàn thời kỳ đầu(người Đức sao chép khá nhiều hệ thống tổ chức La Mã), thì tổng lực lượng kỵ binh Alamanni không thể vượt quá 1750 người.
(Linh Alamanni thế kỷ 4)
3. Thời gian và địa điểm:
Thời gian biểu cụ thể không rõ ràng, nhưng có lẽ trận Strasbourg xảy ra vào tháng tám, khi lúa mì có thể thu hoạch được. Quân La Mã hành binh vào sáng sớm, và sau 21 dặm, họ chạm trán người Đức khoảng giữa trưa gần làng Oberhausbergen cách 3 km về phía Tây Bắc Strasbourg. Chiến trường tương đối bằng phẳng, cao ráo, trừ một ngọn đồi sau lưng quân La Mã và cánh rừng bên trái, nơi người Đức có thể đặt phục binh. Thời tiết đẹp và nắng ấm.
4. Diễn biến:
Chnodomar dàn quân thành 2 tuyến, cánh phải bịt kín đường cao tốc Strasbourg và kỵ binh bên trái được bố trí trên một ruộng lúa mì (một cánh quân khác ẩn trong rừng). Các cánh quân Alamanni được chỉ huy bởi cháu trai Chnodomar, cùng năm vị vua lớn và 10 vua nhỏ hơn.
Về phần mình, Julian xếp quân theo tiêu chuẩn truyền thống La Mã: 2 tuyến (hai quân đoàn ở tuyến đầu) với các khối quân các nhau đủ xa để vận động chiến, chiều sâu ba đến năm hàng lính. Tuyến thứ hai có nhiệm vụ can thiệp khi hàng đầu bị chọc thủng, và tổ chức truy kích nếu có cơ hội. Toàn bộ kỵ binh dồn sang cánh phải, với kỵ cung và kỵ ném lao xếp đầu, nhằm mục đích quấy rối đối phương tạo điều kiện cho kỵ binh nặng đột phá. Cung thủ đứng tuyến đầu, sẵn sàng rút lui khi bị áp sát. Một lực lượng khác do Severus chỉ huy bên trái dùng để đối phó với cánh quân Đức đang nấp trong rừng. Bản thân Julian cùng 200 ngự lâm quân đi lại giữa 2 tuyến nhằm dễ theo dõi và chỉ huy chiến trường.
(Phân bố binh lực hai bên, quân La Mã màu đỏ)
Chiến thuật chủ đạo của Julian là dựa vào kỵ binh, chiếm số lượng và chất lượng áp đảo so với kỵ binh Đức. Một khi đã đánh lui và giành quyền kiểm soát cánh phải, ông có thể tạt sườn hoặc tập hậu bộ binh Alamanni, và giành thắng lợi chóng vánh. Ngay cả trong trường hợp kỵ binh không thành công, trận chiến sẽ chuyển sang đánh tiêu hao giữa hai khối bộ binh chủ lực, mà sự chuyên nghiệp cùng trang bị vượt trội của La Mã sẽ giúp họ chiếm ưu thế.
Ngay khi hai đội quân chạm mặt nhau, trong hàng ngũ Alamanni đã có ý kiến đòi Chnodomar-với tư cách thủ lĩnh phải xuống ngựa và đứng đầu hàng quân (có lẽ đây là một truyền thống Đức). Ông làm theo và vô tình để mất vị trí tốt nhất có thể quan sát hai cánh, do đó không thể phản ứng kịp thời với các diễn biến sau này. Ngược lại, Julian và đội cận vệ di chuyển liên tục giữa hai tuyến, với tầm nhìn bao quát toàn bộ chiến trường nên luôn đưa ra được mệnh lệnh nhanh và chính xác hơn.
Trận chiến bắt đầu với sự di chuyển của hai đội kỵ binh, người Đức tiến rất chậm rãi và rồi dừng hẳn lại chờ đợi. Sau một vài lượt lao và tên mà vẫn thấy đối phương bất động, kỵ binh La Mã tự tin vào ưu thế vượt trội nên đồng loạt tấn công. Lúc này người La Mã mới hiểu nguyên nhân Chnodomar dàn quân cánh trái trên một ruộng lúa: nó cung cấp vị trí ẩn nấp lý tưởng cho bộ binh. Trong lúc kỵ binh Đức kìm chân Cataphract, những người lính trang bị nhẹ và linh hoạt lăn xả vào chân ngựa, và đâm ngược lên bụng – vị trí không có giáp bảo vệ. Kỵ sĩ ngã ngựa vận động khó khăn trong bộ giáp trụ nặng nề nên rất nhanh bị hạ sát. Bất ngờ trước chiến thuật táo bạo này và chứng kiến cái chết của một trong các chỉ huy, Cataphract La Mã hoảng sợ và bỏ chạy khỏi chiến trường, dẫm bẹp luôn một số bộ binh cánh trái cho đến khi bị các đơn vị trợ chiến Auxilia chặn lại. Julian phải đích thân phi ngựa đến để tái tổ chức đội hình. Zosimus cho biết một trung đoàn Cataphract từ chối quay lại tham chiến và sau đó đã bị Julian buộc phải mặc quần áo phụ nữ để trừng phạt tội hèn nhát. Không có thông tin gì về hoạt động tiếp theo của kỵ binh Đức nhưng có vẻ họ cũng chịu thiệt hại không nhỏ, hoặc đã rút lui cùng bộ binh hay tổ chức tập kích vào sườn phải La Mã, nhưng hẳn là đã không có thêm mệnh lệnh nào từ Chnodomar do thiếu tầm nhìn. Tuy nhiên, rõ ràng lá bài tẩy lớn nhất của Julian đã bị loại khỏi bàn!
Phấn chấn trước thành công của kỵ binh, các cánh quân trung tâm Đức gầm vang và ào ạt tiến về phía hàng ngũ đối phương. Lúc này các Legion liền chứng minh sức mạnh của sự chuyên nghiệp và kỷ luật La Mã. Cung thủ đứng trên cùng trút mưa tên vào cơn bão man tộc đang tràn tới, sau đó rút lui qua các khoảng trống đội hình, nấp sau hàng khiên tiếp tục kéo cung bắn cầu vồng. Ở khoảng cách 20-30 m, bộ binh La Mã đồng loạt phóng lao. Các mũi lao với phần đầu nhọn và dài có thể xuyên qua khiên, sát thương người núp phía sau, trong khi phi tiêu nặng cắm vào mặt khiên gây vướng víu và khiến nó trở nên nặng nề. Nỗ lực đáp trả bằng cung, lao và rìu ném chỉ đưa đến kết quả là làm bộ binh La Mã dành phần lớn thời gian giơ khiên lên che đầu.
Sau khi trả giá đắt để áp sát, quân Alamanni lại phải đối phó với đội hình giáo binh dày đặc và sau đó là những chiến binh sử dụng kiếm cận chiến rất thành thạo. Tuy nhiên, với số lượng áp đảo đặc biệt là ở trung tâm, nơi Chnodomar chỉ huy, người Đức tạo thành một đội hình nêm-chữ V (Wedge formation) vốn chỉ dùng cho kỵ binh đột phá, họ chọc thủng được tuyến một nhưng đã không thể mở rộng khe hở và ngay lập tức bị tuyến hai La Mã tiến lên chặn đứng. Cục diện chiến trường từ từ hình thành một hình trăng lưỡi liềm, mà hai đầu nhọn nhô dần về phía quân Alamani, cho phép người La Mã có thể bao vây và đánh tạt sườn họ.
Bước ngoặt của trận đánh diễn ra khi cánh quân trong rừng (khoảng 2000 người) không đủ kiên nhẫn chờ đợi nên tiến ra và chủ động tấn công vào binh đoàn của Severus ở cánh trái, đến thời điểm này vẫn án binh bất động. Đây là 1 quyết định tai hại: họ đánh mất lợi thế địa hình, không áp đảo quá lớn về số lượng và rơi vào thế trận chờ sẵn. Cuộc tấn công lập tức bị bẻ gẫy, Severus lựa chọn đưa tất cả lực lượng hầu như còn nguyên vẹn đánh vào sườn trái đang hở của đạo quân trung tâm, thay vì truy kích tàn binh vào rừng. Như một bệnh truyền nhiễm, sự tan vỡ cánh trái nhanh chóng biến thành tháo chạy hỗn loạn, và lan khắp hàng ngũ quân Đức. Tổn thất thêm phần nặng nề khi Julian lúc này đã tổ chức lại kỵ binh và tung tất cả ra truy kích. Trong cơn tuyệt vọng, một số chiến binh đã chém giết cả đồng đội trước mặt để mở đường chạy ra sông Rhine, ước tính hàng nghìn người đã chết đuối khi cố bơi vượt sông.
5. Tổn thất
Khi hoàng hôn buông xuống, sử gia Ammianus cho biết có 6000 lính Đức nằm lại trên chiến trường, và hàng nghìn lính khác chết đuối-lấp đầy cả một nhánh sông. Khoảng một phần ba lực lượng Alamanni được xác định là bị tiêu diệt. Julian chỉ mất 243 người, gồm cả hai trung đoàn trưởng và 2 chỉ huy Cataphract, chừng 2000 người khác bị thương.
6. Sau trận chiến
Chnodomar chạy thoát nhờ cưỡi ngựa, nhưng nhanh chóng bị kỵ binh La Mã bắt kịp và bao vây cùng đội tùy tùng trong một cánh rừng cách Strasbourg 40 km. Ông đầu hàng, chấp nhận hôn lên biểu tượng La Mã trước mặt Julian và về sau chết bệnh trong một nhà tù dành cho man tộc ở Rome.
Strasbourg – trận đánh nổi tiếng nhất của Julian được coi là một chiến thắng kiểu mẫu của một đội quân La Mã “văn minh” chống lại lực lượng đông đảo barbarian “man rợ”. Các binh đoàn của ông thuộc hàng tinh nhuệ nhất của quân đội Hậu kỳ La Mã, và có bảng thành tích chiến đấu rất ấn tượng. Một phân tích về tên gọi các sĩ quan và binh lính trong một trung đoàn bộ binh đưa đến kết quả là 33-50% thuộc man tộc, điều phổ biến thời kỳ này. Tuy vậy trong suốt các chiến dịch của mình, Julian chưa bao giờ phải lo lắng về độ trung thành và tin cậy của họ (3 trong số 4 trung đoàn trưởng hi sinh ở Strasbourg có tên man tộc). Vài trường hợp đào ngũ được chép lại vì lý do cá nhân chứ không phải yếu tố dân tộc. Các binh đoàn thời Julian vẫn được huấn luyện và diễn tập thực chiến bài bản, đem lại cho họ ưu thế rất lớn khi chiến đấu với các man tộc ô hợp và kỷ luật kém hơn.
Thắng lợi vẻ vang đã khiến binh lính tôn vinh Julian là Augustus mặc dù ông lúc đó vẫn chỉ là Caesar. Thận trọng về mặt chính trị vì chưa muốn xung đột với Constantius, ông từ chối nhận danh hiệu này.
Những năm sau, Julian tiếp tục công việc củng cố phòng tuyến sông Rhine, thậm chí vài lần đưa quân sang đánh phá và buộc các bộ lạc biên giới phải triều cống. Ba năm sau trận Strasbourg, khi đã cảm thấy an tâm về xứ Gaul, ông chuyển mục tiêu sang các khu vực khác như Anh và Ireland. Vì Constantius chết mà không có người kế vị năm 361, Julian trở thành hoàng đế duy nhất của La Mã, cả Đông và Tây. Ông chết vì vết thương sau khi thắng trận Ctesiphon trước quân Ba Tư năm 363, dòng họ Constatine cũng tiêu vong từ đây.
Hoàng đế Julian có nhắc đến trận Strasbourg trong hồi ký cá nhân, đáng tiếc đã bị thất truyền. Tuy nhiên một số chi tiết của nó đã được Ammianus Marcellinus, một nhà sử học và là sĩ quan tham mưu từng theo Julian chinh chiến đến khi qua đời, chép lại trong tác phẩm Res Gestae (lịch sử) của mình, ngày nay là nguồn tư liệu chính.