Ở đời đã tương tư thì hẳn phải do một cái gì đó có sức hấp dẫn, lôi cuốn. Cỏ tương tư ( tương tư thảo ) cũng như thế. Cỏ tương tư khiến bao thế hệ đắm say bởi cảm giác mà nó đem lại, khiến cho người ta một khi đã dùng quen thì khó mà bỏ được. Cỏ tương tư cũng nguy hiểm, giống như bệnh tương tư vậy. Đã có thống kê rằng cỏ tương tư là một trong những tác nhân gây chết người nhiều nhất trong lịch sử, là thứ giết chết khoảng 100 triệu người trong thế kỷ 20.
Cỏ tương tư có xuất xứ từ Châu Mỹ. Ngươi da đỏ ngậm nó trong miệng, hít bột nghiền hay vấn thành điếu hút để tạo khoái cảm, thấy khó chịu khi thiếu nó. Người thám hiểm Columbus đã phát hiện ra công hiệu của cỏ tương tư và mang nó về Châu Âu. Từ đó, cỏ tương tư lan rộng khắp thế giới, với muôn vàn cách sử dụng được sáng tạo. Ban đầu người ta dùng cỏ tương tư để chữa bệnh. Về sau, người ta coi nó như một thú tiêu khiển giống như việc uống trà, uống rượu. Cỏ tương tư có thể dùng để đốt lên mà hút, hít bột, dùng để nhai lấy nước, ngậm, hoặc ăn luôn cả lá …
Cỏ tương tư du nhập vào vùng Đông Á không lâu sau khi du nhập vào Châu Âu. Thời nhà Minh, người Trung Hoa đã sử dụng khá phổ biến để chữa bệnh và tiêu khiển, bất chấp sự ngăn cấm của triều đình. Cỏ tương tư trồng ở đất Mân giá rất cao, có người mua với giá một cân đổi một con ngựa. Sách Thảo tòng tân của Ngô Nghi Khác nhà Thanh xếp Cỏ tương tư vào loại độc dược, dù đánh giá nó có một chút dược tính :
“Tính nó cay, trị các chứng phong, hàn, tê thấp, trệ khí, đọng đờm, sơn lam chướng khí. Khói vào mồm không theo thường độ, một lúc nó chạy khắp người, làm cho khắp cơ thể trong người thông khoái, thay được rượu được chè, cho nên người ta còn gọi là Tương tư thảo. Nhưng hơi lửa nung nấu, hao huyết, tổn thọ, mà người ta không biết. Thật khó sửa chữa.” ( dẫn theo Phan Cẩm Thượng ).
Người Việt mới biết đến cỏ tương tư vào thời Lê – Trịnh, thường chỉ dùng để hút, gọi là hút thuốc hoặc nhai khi ăn trầu. Vì lẽ người Việt bắt chước từ người Lào hút thuốc, nên nhân đó gọi là thuốc lào. Lê Quý Đôn viết trong Vân Đài Loại Ngữ :
“Đời Cảnh Trị [ vua Lê Huyền Tông ], 1665, hai lần hạ lệnh nghiêm cấm hút thuốc, lùng bắt những người trồng thuốc, hay hút thuốc giấu, mà tuyệt không được. Nhiều người khoét tre, làm ống điếu (điếu cày), lại chôn điếu sành xuống đất mà hút, tàn đóm còn lại, thường sinh hỏa tai. Lâu lâu, bỏ lệnh cấm ấy, bây giờ nhân dân lại hút như thường.”
Bởi vì người dân đã nghiện cỏ tương tư như nghiện một người tình, bất chấp lệnh cấm của vua mà ngầm chốn giấu điếu cày để hút thuốc nên dân gian có câu ca dao :
“Nhớ em như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”
Ngoài các tên gọi thuốc lá, thuốc lào thì cỏ tương tư còn có các tên gọi sau : Linh thảo ( cỏ thần ), yên diệp, yên tửu, thuốc rê …
Càng phổ biến, cỏ tương tư càng gây ra nhiều tác hại cho con người. Nhưng xét ra, chẳng qua người ta lạm dụng nó nên mới thế. Nếu trả nó đúng về vai trò thì nó cũng là một thứ cỏ cây hữu ích. Cỏ tương tư ngoài nhiều dược tính đã liệt kê như trên, dùng để hút ẩm, diệt côn trùng, khử mùi … Cũng như các sản phẩm là rượu, bia, cà phê, trà … Cái gì dùng đúng mực, đúng mục đích thì tốt, lạm dụng thì xấu. Cũng như khi yêu một người cũng phải giữ cho mình tinh thần sáng suốt.