Trang chủ Ngày này năm xưa – 15/3/44 TCN: Vụ ám sát Julius Caesar

– 15/3/44 TCN: Vụ ám sát Julius Caesar

Sau khi đánh bại tất cả đối thủ trong cuộc nội chiến, Julius Caesar khải hoàn trở về Rome và được Viện Nguyên Lão phong là nhà độc tài vĩnh viễn (dictator perpetuo) của La Mã. Đây là một sự kiện chưa từng có tiền lệ, vì chức vụ “Độc tài” (dictator) chỉ được đặt ra khi xuất hiện nguy cơ đe dọa sự tồn vong của La Mã, người giữ chức này sẽ có quyền lực tối thượng nhưng chỉ với nhiệm kỳ 6 tháng – 1 năm, và phải rời bỏ vị trí ngay khi hết thời gian hoặc hoàn thành nhiệm vụ. Việc Julius Caesar được bổ nhiệm làm nhà độc tài vĩnh viễn khiến số ít Nguyên lão tin rằng ông có thể xưng vương. Nghi vấn tăng thêm khi Sở đúc tiền thành Roma bắt đầu sản xuất đồng bạc denarius với danh hiệu Dictator perpetuo ở mặt trước, mặt sau là hình nữ thần nông nghiệp Ceres.

Vào ngày 15 tháng 3 (Ides of March) năm 44 TCN, một nhóm các Nguyên lão gọi Caesar đến để đọc đơn thỉnh cầu ông giao trả quyền lực cho Viện Nguyên Lão. Lá đơn này là giả mạo; Mark Antony cảm thấy nghi ngờ một kẻ trong nhóm Liberatores (người giải phóng) tên là Servilius Casca, và cảm thấy lo lắng tột độ khi nghe tin Caesar đi lại không vệ sĩ như mọi khi, đến gặp một nhóm các nguyên lão; ông vội vàng đi chặn Caesar lại. Nhưng đã quá muộn, khi đi qua Nhà hát Pompey Caesar bị một nhóm các Nguyên lão chặn lại và dẫn ông vào một căn phòng ở cửa Đông.

Khi Caesar đang đọc lá đơn giả mạo, Servilius Casca tiến lại giật áo choàng của Caesar và sượt tay qua cổ ông. Caesar quay lại và nắm lấy cằm của Casca la to bằng tiếng Latin: “Tên khốn Casca, ngươi đang làm gì đó?” Casca hoảng sợ, kêu những Nguyên lão đồng mưu bằng tiếng Hy Lạp: “Anh em làm ơn giúp đỡ!” (αδελφοι βοήθει!, adelphoi boethei!). Ngay lập tức, toàn bộ nhóm nguyên lão, kể cả Brutus, rút dao xông lên tấn công Caesar. Brutus được cho là đã bị thương ở tay và ở chân. Caesar tìm cách thoát thân, nhưng mờ mắt vì mất máu và vì cái áo choàng quá dài nên bị vấp ngã. Rốt cục những kẻ ám sát chỉ giết được ông khi ông ngã xuống và không thể chống cự trên bậc thềm của cánh cổng. Theo Eutropous, có hơn 60 người tham gia vào âm mưu giết ông và Caesar đã bị đâm tổng cộng 23 nhát. Báo cáo về các vết thương trên cơ thể Caesar do các y sĩ lập, được coi là biên bản khám nghiệm tử thi đầu tiên trên thế giới.

Điều cuối cùng Caesar nói là gì? Điều này còn đang được tranh cãi. Trong tác phẩm Julius Caesar, William Shakespeare viết rằng câu cuối cùng Caesar nói là: Et tu, Brute? (“Kể cả anh sao, Brutus?”). Nhưng đó là sáng tạo của Shakespeare. Nhà sử học La Mã Suetonius ghi lại rằng những lời cuối của Caesar bằng tiếng Hy Lạp là “καί σύ τέκνον”-“Kài sú, Teknon?” (“Cả con nữa à?”). Nhưng hầu hết người La Mã tin rằng ông đã nói câu cuối cùng bằng tiếng Latin:”Tu qouque, Brute, fili mihi?”-“Cả ngươi nữa sao, Brutus, con trai của ta?”. Plutarch cho rằng ông không nói gì cả, chỉ kéo áo dài lên đầu khi nhìn thấy Brutus trong đám người ám sát.

Sau cuộc ám sát, các nguyên lão ra khỏi tòa nhà và nói chuyện với nhau một cách đầy kích động. Brutus còn la to: “Nhân dân La Mã, một lần nữa chúng ta lại tự do !”. Đáp lại họ chỉ là sự im lặng đáng sợ, vì dân chúng vốn yêu quý Caesar, đa phần người dân đóng kín cửa khi nghe thấy tin đồn về vụ ám sát. Nhận thấy tình hình không như dự tính, những kẻ ám sát chạy trốn khỏi Roma. Bạo động bắt đầu bùng lên khi người ta xác định được Caesar đã chết thực sự. Nhà cửa bị đốt và đập phá, nhiều đám đông kéo ra đường đòi hỏi sự trừng phạt nhóm ám sát vị lãnh tụ yêu quý của họ.

Hai ngày sau vụ ám sát, Marcus Antonius triệu tập phiên họp đặc biệt của Viện Nguyên Lão và đề xuất một sự thỏa hiệp, trong đó thì nhóm ám sát sẽ không bị trừng phạt, và tất cả các sắc lệnh cũng như sự bổ nhiệm của Caesar trước kia vẫn có hiệu lực. Mục đích của Antonius có lẽ là tạo ra một liên minh nắm quyền do mình kiểm soát. Ý đồ này bị ngăn chặn bởi sự xuất hiện của một người cháu kiêm con nuôi, và cũng là người thừa kế của Caesar. Octavianus khi đó mới 19 tuổi, được thừa hưởng lòng trung thành của phần lớn dân La Mã. Và thế là chế độ Tam hùng lần 2 được hình thành: Octavianus với sự ủng hộ của dân chúng, Marcus Antonius đại diện phe quý tộc, còn Lepidus (tướng kỵ binh cũ của Caesar) có uy tín lớn trong quân đội. Ba người này bắt tay nhau thực hiện cuộc thanh trừng chính trị đẫm máu nhằm vào những nhóm chống đối, và thu thêm tài chính để tổ chức lại quân đội. Khoảng 300 Nguyên lão và 2000 quý tộc La Mã đã bị hành hình.

Sau khi đánh bại những kẻ ám sát Caesar (Cassius và Brutus) ở trận Philippi (hơn 40.000 lính La Mã thiệt mạng), Tam hùng lần 2 mất mục tiêu chung nên dần dần tan rã, ba nhân vật chính quay sang chống lại nhau. Octavianus tước bỏ quyền của Lepidus rồi đưa quân đánh bại phe Antonius-Cleopatra, trở thành hoàng đế đầu tiên của La Mã dưới cái tên Caesar Augustus. Năm 42 TCN, Caesar được thánh hóa với tên Divus Iulius (“Thần thiêng Julius”), còn Augustus thì trở thành Divi filius (“Con của một vị thần”).

Cái chết của Caesar, mỉa mai thay, đã đánh dấu sự sụp đổ của Cộng Hòa La Mã. Sự cám dỗ về quyền lực cá nhân, bắt nguồn từ thời Sulla và Caesar đã được dứt điểm bởi Octavianus. Ông chỉ định Nguyên Lão Viện sắc phong mình chức quyền bảo pháp quan (tribunicia potestas), cho phép  đề xuất và phản bác bất kỳ luật nào. Thêm vào đó là quyền chỉ huy quân đội (Imperium maius) và quyền lựa chọn các ứng viên khi bầu cử. Như vậy dù vẫn tự xưng là chính thể cộng hòa, nhưng thực sự La Mã đã trở thành 1 đế quốc do Octavianus kiểm soát tuyệt đối.

– Muitenbac777-