Trang chủ Kiến Thức Thể chế “Thượng hoàng” thời Trần

Thể chế “Thượng hoàng” thời Trần

Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã nhận xét: “Gia pháp họ Trần….con đã lớn thì cho nối ngôi chính, còn cha lui ở cung Thánh từ, xưng là Thượng hoàng, cùng trông coi chính sự. Thực ra truyền ngôi chỉ để yên việc sau, phòng lúc vội vàng, chứ mọi việc đều do Thượng hoàng quyết định. Vua kế vị không khác gì hoàng thái tử cả.”

Đây là một trong những đặc thù của vương triều Trần, được mở đầu ngay từ thời Trần Thái Tông. Năm 1255, Trần Cảnh lên ngôi vua mới có 8 tuổi, Trần Thủ Độ đã chủ trương: vì “Nhị lang (tức Trần Cảnh) lại là người chưa am hiểu việc nước, chính sự nhiều chỗ thiếu sót, vận nước mới mở, lòng dân chưa phục, mối họa không phải là nhỏ. Ta tuy là chú, không biết chữ nghĩa gì, còn phải bôn đông tẩu tây để chống với bọn giặc cướp, không gì bằng mời Thánh phụ tạm coi việc nước làm Thượng hoàng, một hai năm sau, thiên hạ nhất thống, giao trả lại quyền cho Nhị lang”, kể từ khi đó việc thự hiện thể chế Thượng hoàng + Vua được kéo dài suốt vương triều Trần.

Trận Bạch Đằng năm 1288, khi Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo dụ được thủy quân Nguyên vào bãi cọc, quân Thánh Dực dưới quyền Nguyễn Khoái đang ác chiến, thì Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đều đem quân tiếp đến, phối hợp đánh tan hoàn toàn đoàn thuyền Nguyên-Mông trong trận thủy chiến lớn nhất lịch sử nước ta.

Thống kê của Nguyễn Duy Hinh (bài “Hệ tư tưởng Trần”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 4/1986, trang 36-45)

Trần Thừa làm Thái thượng hoàng đầu tiên, nhưng không phải chỉ làm vài năm rồi trả quyền cho Trần Cảnh. Trên thực tế Trần Thừa làm Thái thượng hoàng cho đến khi qua đời (1234), thọ 51 tuổi (lúc đó Thái Tông 16 tuổi). Trần Thái Tông làm vua một mình được mười bảy năm, rồi nhường ngôi khi đến tuổi 41. Ông là người có thời gian làm vua một mình (tức là không có Thái thượng hoàng cùng quản việc nước) dài nhất thời Trần. Trần Thánh Tông làm vua một mình có 2 năm, Trần Nhân Tông chỉ một năm.

Tính tổng cộng, qua 12 đời vua Trần, thời gian vua có Thượng hoàng giúp đỡ là 103 năm, nếu tính cả thời gian Trần Thừa làm Thái thượng hoàng mà chưa từng làm vua thì là 111 năm trên tổng số 174 năm tồn tại của vương triều Trần. Có nghĩa là thời gian mà đất nước có vua cai trị một mình là 63 năm, khoảng 1/3 thời gian cả vương triều.

Nhìn vào bảng thống kê trên, ta thấy các vua Trần nhường ngôi không phải vì họ già yếu, không đủ sức quản lý chính sự nữa (tất nhiên tuổi thọ trung bình thời đó thấp hơn nhiều so với hiện nay). Họ trở thành Thượng hoàng vào lúc tuổi 30-40, cá biệt như Trần Nghệ Tông là 50 tuổi tức là lên lão. Họ đều nhường ngôi vào tuổi đã chín nhưng chưa già. Năm đời vua đầu nhà Trần thực hiện nghiêm khắc thể chế này, nhưng bảy đời vua sau dần dần suy thoái mà nguyên nhân chủ yếu là sự khủng hoảng thừa kế. Trần Minh Tông phải làm Thượng hoàng cho hai đời vua, Trần Nghệ Tông còn phải gánh 3 đời vua, và do đó thực tế ông cai trị tới 27 năm. Như vậy có thể thấy rằng thể chế Thượng hoàng được thực hiện chặt chẽ đã tạo thế ổn định chặt chẽ cho vương triều, và khi thể chế này suy thoái đã kéo cả vương triều lụn bại theo.

Bản đồ mô tả các thế hệ vua và quý tộc nhà Trần

Thể chế Thượng hoàng + Vua không hoàn toàn gắn liền với ý thức bảo vệ quyền lợi dòng họ, mà ở đây còn 1 khía cạnh khác: sự đảm bảo hoạt động tập thể ở vị trí tối cao của quốc gia. Thượng hoàng là người kèm cặp vua, đồng thời cũng là người xử lý việc nước cùng với vua. Không hoàn toàn là hễ vua trường thành thì Thượng hoàng sẽ để vua hoạt động độc lập. Có thể dẫn ra đây hàng loạt dẫn chứng trong thư tịch về về sự kèm cặp này:


1. Năm 1299, Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường trở về kinh sư, các quan trong triều không ai hay biết. Vua uống rượu xương bồ, say ngủ đánh thức mãi không được. Thượng hoàng thong thả đi xem hết các cung điện một hồi lâu, đến khi nội hầu dâng cơm, Thượng hoàng không thấy Vua, lấy làm lạ, bèn hỏi. Biết chuyện (Vua say rượu) Thượng hoàng giận lắm, lập tức trở về Thiên Trường, hạ chiếu cho trăm quan nội ngày mai phải đến tề tựu (ở Thiên Trường) để nghe chỉ dụ. Đến quá trưa (hôm sau) Nhà vua mới tỉnh dậy. Cung nhân đem việc đó tâu bày, Nhà vua sợ quá, đi bộ ra ngoài cung, khi về qua chùa Tư Phúc, gặp người học trò là Đoàn Nhữ Hài. Vua hỏi, Nhữ Hài vội vàng cúi rạp xuống đất thưa là học trò đi học. Vua cho theo vào cung, bảo rằng: “Mới đây, trẫm say rượu, bị Thượng hoàng hỏi tội, nay muốn dâng biểu tạ tội, nhà người hãy thảo giúp ta tờ biểu ấy.”

Nhữ Hài vâng lời, thảo xong ngay trước mặt vua. Nhà vua liền dùng thuyền nhỏ, cho Nhữ Hài đi theo, đêm thì tới Thiên Trường. Sớm hôm sau (Vua) sai Nhữ Hài đội tờ biểu dâng lên. Thượng hoàng thấy lời lẽ khẩn thiết mới cho gọi vua vào và bảo: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm còn sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?”.

2. Năm 1281, Trần Thánh Tông tự tay viết bài minh ban cho các hoàng tử, dạy về trung, hiếu, hòa, tốn, ân , lương, cung kiệm.

3. Toàn Thư chép vua Trần Thánh Tông từng chọn người Nho học, có đức hạnh vào Đông cung dạy thái tử, lấy Lê Phụ Trần làm thiếu sư kiêm trừ cung giáo thụ (cũng là dạy thái tử); lấy Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố sung nội thị học sĩ. Vua tự làm thơ để dạy dỗ các hoàng tử.

Nhìn chung, dù là sự kèm cặp trực tiếp của Thượng hoàng-Vua hay Vua-thái tử đều là phương sách thực thi nhằm bồi đắp khả năng cho người đứng đầu vương triều Trần. Nhà Trần vốn xuất thân từ một tập đoàn đánh cá ở biển Hải Áp, dụng võ nhưng ít chữ mà Trần Thủ Độ từng thừa nhận ban đầu, đã phấn đấu để tự mình trở thành tri thức với những Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải…vv….văn chương nổi tiếng, học vấn uyên thâm; với những minh quân, tôi hiền, tướng lĩnh toàn tài. Họ Trần đã vươn lên trở thành một dòng họ quý tộc, trọng dụng nhân tài, trọng dụng học thức, làm nên những chiến công vang dội trong lịch sử dân tộc thế kỷ XIII.

Nguồn: “Phương sách dùng người của ông cha ta trong lịch sử”, NXB chính trị quốc gia, 1994.