Đây là câu hỏi rất phổ biến trong xã hội: học kĩ thuật để sản xuất, học ngoại ngữ để giao lưu buôn bán với nước ngoài, nhưng còn lịch sử? Tại sao phải biết về những người đã chết từ lâu?
Có một số lời giải đáp cho câu hỏi này:
1. Để biết mình là ai.
Mỗi người có một hệ thống kí ức, những gì trải qua trong cuộc đời được bộ não chúng ta ghi lại và tạo nên bản tính của mỗi người. Lịch sử là kí ức của một cộng đồng và tạo nên bản tính của cộng đồng đó. Học về quá khứ, chúng ta biết những niềm vui, những đau khổ mà cộng đồng, đất nước mình đã trải qua, và hiểu được vì sao những người sống quanh ta lại cư xử theo một khuôn thước nhất định.
2. Để rút ra bài học.
Bởi vì con người là sinh vật xã hội, các cộng đồng/đất nước thường xuyên phải đưa ra những quyết định tập thể, ảnh hưởng đến tất cả mọi người: có nên gây chiến với nước A, có nên ban hành đạo luật B ..v.v.. Lịch sử để lại một lượng lớn những bài học kinh nghiệm, nếu kết hợp với việc lập luận logic và nghiên cứu nghiêm túc thì có thể đưa ra những lời giải rất rõ ràng cho hiện tại. Việc nghiên cứu cần tránh những xu hướng kích động, bóp méo, bởi vì đó là cách nhanh nhất để dẫn cộng đồng của mình vào thảm họa.
3. Để phục vụ cho các ngành khác.
Mọi thứ đều có lịch sử của nó: lịch sử khoa học, lịch sử văn hóa, pháp luật, quân sự, nghệ thuật, kinh doanh ..v.v.. Để tiến thân trong một ngành, mỗi người đều phải học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, và để có thể làm được thì phải hiểu về thời đại mà những người đó đang sống.Tóm lại, học lịch sử là điều không thể tránh khỏi nếu chúng ta muốn đạt tới tài sản quý giá nhất của loài người: kiến thức; sự không thờ ơ với mọi thứ xung quanh; khả năng đặt cuộc sống của chúng ta trong một bối cảnh rộng lớn hơn, bao quát được những mảnh vụn cuôc sống xảy đến với chúng ta hàng ngày.
Kết luận trên lại dẫn đến một nhận thức khác: khi học lịch sử, nên hạn chế học những mảnh vụn (ông A sinh năm nào ngày nào tháng nào chết năm nào …) mà nên chú trọng đến bối cảnh lớn, nguyên nhân và hệ quả, quá trình ra quyết định và kết quả của nó.