Trang chủ Ngày này năm xưa – 17/3/45 TCN: Trận Munda

– 17/3/45 TCN: Trận Munda

Trận Munda diễn ra ngày 17 tháng 3 năm 45 trước Công Nguyên ở miền nam xứ Hispania (Tây Ban Nha thuộc La Mã) , là trận chiến cuối cùng của cuộc nội chiến Caesar (49-45
TCN).

Sự tranh chấp quyền lực giai đoạn cuối Cộng Hòa đã dẫn đến cuộc chiến giữa 2 nhà chính trị-quân sự xuất sắc nhất La Mã lúc đó: Pompey và Caesar. Trong trận Pharsalus năm 48 TCN trên đất Hy Lạp, Caesar đánh bại Pompey và đuổi theo ông này sang tận Ai cập, nơi Pompey bị ám sát. Năm 46 TCN, Caesar tiếp tục tiêu diệt một đạo quân trung thành với Pompey tại trận Thapsus. Tuy nhiên, khi Caesar đang bận rộn với nữ hoàng Ai Cập Cleopatra (họ có 1 đứa con trai nhưng không bao giờ cưới nhau được, vì một luật cổ quy định chỉ hôn nhân giữa 2 công dân La Mã mới tính là hợp pháp), Gnaeus Pompeius (con trai cả của Pompey) trốn sang Tây Ban Nha, kích động các binh đoàn cũ ở đây vốn từng phục vụ dưới quyền cha mình. Mùa xuân năm 46 TCN, Tây Ban Nha nổi loạn.

Nhận thấy tính nghiêm trọng của vấn đề (Tây Ban Nha có nhiều mỏ bạc lớn và là nơi đóng trọng binh), Caesar tự mình đem quân đi đánh dẹp. Với kỷ luật và kỹ thuật quân sự hàng đầu thế giới thời đó, các binh đoàn của ông di chuyển từ Ý sang Tây Ban Nha (hơn 2400 km) trong chưa đầy 1 tháng. Sự bất ngờ này giúp Caesar đánh chiếm được thành lũy trọng yếu Ategua trước khi phe chống đối nhận ra là ông đã đổ bộ vào Tây Ban Nha. Khi biết tin một số đồng minh bắt đầu dao động và đào ngũ sang phía đối thủ, Gnaeus Pompeius quyết định giao chiến.

Hai đạo quân chạm trán nhau trên đồng bằng Munda, miền nam Tây Ban Nha. Caesar có trong tay tám binh đoàn (40.000 lính) và 8.000 kỵ binh, trong khi đối phương có 13 binh đoàn (65.000 lính), 6.000 bộ binh nhẹ và 6.000 kỵ binh. Dù đông hơn gần gấp đôi, Gnaeus Pompeius bố trí lực lượng bao quanh một ngọn đồi thấp cách thành phố Munda khoảng 1,6 km, trong tư thế phòng thủ. Nguyên nhân của việc này là do ông lo ngại đánh trực diện thì không thể thắng được (trong đời mình Caesar chỉ thua vài trận nhỏ ở Gaul, còn đánh vận động chiến thì cả chính Pompey – bố Gnaeus Pompeius – cũng phải ôm cổ ngựa chạy).

Sau vài nỗ lực để dụ đối phương tấn công bất thành, Caesar ra lệnh các binh đoàn tiến lên xáp chiến. Hai bên giằng co suốt 8 tiếng đồng hồ do cả hai chỉ huy đều rất thận trọng, và cũng bởi sự chênh lệch quân số được bù đắp bằng chất lượng: các binh đoàn của Caesar quá nửa là lính kỳ cựu nên rất thiện chiến, trong khi phía bên kia có nhiều tân binh mới tuyển.

Cuối cùng thì cả Caesar và Gnaeus Pompeius đều phải rời vị trí để đi kích thích sĩ khí. Caesar lên tuyến đầu và rút kiếm đâm chém y như một người lính bình thường (sau này ông kể rằng riêng ở đất Munda mình đã phải chiến đấu để sống, chứ không phải để thắng). Cánh phải quân Caesar – nơi chủ soái tham chiến nhờ vậy chiếm ưu thế và dần dần đẩy lui đối phương. Gnaeus Pompeius vội điều một binh đoàn đến giúp, nhưng do vậy cánh trái lại không đủ quân ứng phó khi kỵ binh địch tấn công. Nhờ đông hơn nên kỵ binh của Caesar có thể tách một phần ra làm quân dự bị, đạo kỵ binh 2000 người này vẫn bất động từ đầu trận đến lúc đó.

Trận Munda đi đến hồi kết do sai lầm của Titus Labienus, tướng chỉ huy kỵ binh phe Gnaeus Pompeius. Thấy đối phương tập kích vào sườn phải, đe dọa trại chính, ông này rút một cánh kỵ binh đang tham chiến ở giữa về, rồi lệnh vòng sang phía đó để ứng cứu. Hành động này khiến một số chỉ huy khác hiểu nhầm là rút lui và cũng quay ngựa chạy theo. Tinh thần suy sụp, lính phe Gnaeus Pompeius bắt đầu bỏ hàng ngũ hàng loạt, gây nên hiệu ứng tan rã tập thể dù tình hình thực tế thời điểm đó vẫn ở thế cân bằng. Một số chạy được vào thành, còn lại tứ tán hay bị kỵ binh đuổi theo chém giết. 13 con đại bàng bằng bạc, biểu tượng cho 13 quân đoàn chống đối đều bị thu giữ, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn. Thương vong theo Caesar công bố chỉ là 1000 lính so với hơn 30.000 người chết bên Gnaeus Pompeius.

Titus Labienus chết trận và được hậu táng. Gnaeus bỏ chạy nhưng bị bắt và hành hình khoảng một tháng sau. Mất lãnh tụ, các thành phố Tây Ban Nha nổi loạn đều lần lượt đầu hàng, chừng 14.000 người đã bị hành quyết công khai để răn đe dân chúng. Không còn đối thủ nào, Caesar ca khúc khải hoàn quay về Roma. Một bức tượng của ông được đặt ở đền thờ Quirinus với dòng đề tặng “Dâng lên vị thần không thể bị đánh bại”. Caesar được Viện Nguyên Lão phong làm nhà độc tài suốt đời – danh hiệu cho phép người mang nó sở hữu quyền lực chưa từng có trong nền Cộng hòa – ngang với một vị vua. Đây là mầm mống sẽ dẫn đến sự bất mãn của một số quý tộc, mà dẫn đến vụ ám sát ông sau này.