Sau Hội thề Đông Quan, quan tổng binh triều Minh là Vương Thông dẫn bộ binh rút khỏi An Nam ngày 29/12 tức 12 tháng 12 âm lịch năm Đinh Mùi, kết thúc thời kỳ triều Minh đô hộ trong lịch sử Việt Nam.
Sự kiện này được mô tả trong “Bình Ngô đại cáo”:
“Tướng giặc bị cầm tù. như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính cấp cho năm trăm chiếc thuyền,
Ra đến bể mà vẫn hồn bay phách lạc.
Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cổ ngựa,
Về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức”
Thực tế lúc đó quân Lam Sơn hoàn toàn có đủ sức bao vây tiêu diệt hết số quân Minh còn lại, đã có người xin đánh gấp, giết cho bằng hết, nhưng Lê Lợi nói: “Việc dùng binh lấy sự toàn quân là hơn cả. Nay hãy để cho lũ Vương Thông về nói với vua Minh, trả lại đất cho nước ta, không còn trở lại xâm lấn, thì ta còn cầu gì hơn nữa, hà tất phải giết hết, để kết mối thù với nước lớn”
Trước Lê Lợi, Lý Thường Kiệt cũng đã phải để người Tống rút về dù dư sức quét sạch số quân còn lại của Quách Quỳ.
Ngày 6 tháng 3 năm 1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Chỉ thị số 69, nhận định về tình hình và đưa ra chủ trương trong điều kiện Trung Quốc rút quân. Chỉ thị này khẳng định: “Trong khi chấp nhận cho địch rút quân, chúng ta luôn luôn phải nâng cao cảnh giác, tăng cường quốc phòng, sẵn sàng giáng trả địch đích đáng, nếu chúng lật lọng, trở lại xâm lược nước ta lần nữa”.
Như vậy trong lịch sử, thường khi người Việt thắng thì sẽ để quân Trung Quốc rút lui. Vì sao lại thế? Như hoàng đế Quang Trung từng nói: “Chúng là nước lớn gấp 10 lần nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi, tất chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù, như thế thì đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều, ta làm sao nỡ thế. Vậy đánh xong trận này ta phải nhờ Thì Nhiệm dùng lời nói cho khéo để đình chỉ việc chiến tranh.”