Trang chủ Nhân vật lịch sử Những ngộ nhận về Trương Vĩnh Ký

Những ngộ nhận về Trương Vĩnh Ký

Ngày 24/3/2015 , trong dịp trao giải thưởng Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, ông Nguyên Ngọc [1] đã nêu ý kiến: Xây “Ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam” nhằm tôn vinh những nhân vật kiệt xuất có công đối với văn hóa Việt Nam. Trong số ba nhân vật đầu tiên được dề cập đến có tên ông Trương Vĩnh Ký, cũng gọi là Petrus Ký (cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh).

Dạo gần đây lại có một Hội thảo về ông Trương Vĩnh Ký với kết luận rất kêu “Trương Vĩnh Ký yêu nước theo cách của riêng mình”

Vậy Trương Vĩnh Ký là ai? Yêu nước là nước nào???


Trương Vĩnh Ký lúc nhỏ có tên Trương Chánh Ký, sinh năm 1837 ở ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, Tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).
Trương Vĩnh Ký lúc nhỏ có tên Trương Chánh Ký, sinh năm 1837 ở ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, Tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).

Trương Vĩnh Ký lúc nhỏ có tên Trương Chánh Ký, sinh năm 1837 ở ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, Tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).

Năm ông 8 tuổi [2], cha ông là Trương Chánh Thi bị bệnh mất ở Cao Miên (Campuchia) trong một chuyến đi công tác cho triều Nguyễn. Linh mục Tám, người được ông Thi che chở khi triều đình cấm đạo, đã đề nghị mẹ ông cho ông theo đạo Công giáo, lấy tên là Jean Baptiste Trương Chánh Ký (sau đổi là Trương Vĩnh Ký (gọi tắt là Petrus Ký).

Khi linh mục Tám mất, linh mục Long (người Pháp, mới qua Việt Nam), đã tiếp dạy Trương Vĩnh Ký chữ La-tinh, rồi giới thiệu ông cho linh mục Hòa (tên Pháp là Belleveaux) đang dạy tại trường Đạo Pinha-lu ở Phnom Penh. Trương Vĩnh Ký theo học trường này, nhờ đó có dịp học thêm tiếng Miên, Lào, Miến Điện, Trung Quốc… với nhiều học sinh cùng trường.

Năm 1851, Trương Vĩnh Ký được gởi vào ngôi trường đặc biệt – trường Dulalma – của các thừa sai dòng Tên (Jésuites) và Đa Minh (Dominicains) ở Penang (Mã-Lai), là nơi đào tạo những nòng cốt cho việc truyền giáo và xâm nhập các nước châu Á của liên minh Công giáo – quân sự châu Âu ở Viễn Đông. Trong thời gian học tại đây (1851-1858), Trương Vĩnh Ký học thêm tiếng Ấn Độ, Anh, Tây Ba Nha, Mã Lai, Nhật, Hy Lạp, Thái, Pháp…

Năm 1858 (21 tuổi), Trương Vĩnh Ký về nước. Cũng năm ấy quân Pháp đánh Đà Nẵng, nên chánh sách cấm đạo của triều đình càng gay gắt. Trương Vĩnh Ký không thể ở quê Cái Mơn được, chuyển qua dạy học ở Trường đạo Cái Nhum của cố Hòa.

Năm 1860, ông được linh mục người Pháp Dominique Lefèbvre giới thiệu đến giúp làm thông ngôn cho viên trung tá Hải quân Pháp Jean Bernard Jauréguiberry đang chỉ huy địa hạt Gia Định thay Tổng tư lệnh Rigault de Genouilly đang đưa quân trở ra Đà Nẵng. Thời gian này Trương Vĩnh Ký cũng có dịp làm thông ngôn cho các tướng lĩnh Pháp Charner, Page, Bonard khi các tướng này lần lượt hạ các đồn Chí Hòa, Thuận Kiều, Mỹ Tho, Biên Hòa…

Ông lập gia đình và xây nhà riêng ở quê vợ vùng Chợ Quán – Sài Gòn.

Năm 1862, ông làm thông ngôn cho phái đoàn Pháp ra Huế nghị hòa, buộc triều Nguyễn ký Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) ở Gia Định nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp. Sau đó Trương Vĩnh Ký được Pháp cử vào phái đoàn Pháp, cùng phái đoàn Phan Thanh Giản sang Paris nhằm thương lượng chuộc lại 3 tỉnh Nam kỳ (1863). Cuộc thương lượng bất thành, nhưng dịp này Trương Vĩnh Ký được các chính phủ Pháp, Tây Ba Nha ưu ái cho đi tham quan nhiều nước châu Âu.

Năm 1864, Trương Vĩnh Ký trở về nước tiếp tục làm thông ngôn cho soái phủ Pháp ở Nam kỳ.

Năm 1865, ông làm trợ tá cho một quan chức người Pháp – Ernest Potteaux xuất bản tờ Gia Định Báo, tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam [3]. Nhưng phải đến năm 1869, chuẩn Đô đốc Ohier mới ký quyết định giao cho Trương Vĩnh Ký làm Giám đốc Gia Định Báo [4].

Trong thời gian làm báo, ông vẫn là giáo sư nhiều trường do Pháp mở, như Trường Thông ngôn Sài Gòn (Collège des interprètes, tức trường Adran cũ), trường của Sở Công vụ người bản xứ (Services des affaires indigènes), trường đào tạo nhân viên cho Văn phòng Trung ương An Nam (Bureau Central Annamite, do linh mục Legrand de la Liraye điều khiển).

Năm 1870, sứ thần Tây Ba Nha Patocot xin Pháp “cho mượn” Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn trong chuyến đi Huế thương thảo với Nam triều về một hiệp ước thương mại và giao hảo. Thời gian này ông có dịp đi Hong Kong, Ma Cao, Quảng Đông, Quảng Tây… Nhưng cũng chính chuyến đi giúp Tây Ba Nha của Trương Vĩnh Ký đã là duyên cớ sau này một số quan chức Pháp sinh lòng đố kỵ.

Năm 1872, Trương Vĩnh Ký được thăng hàm Tri huyện hạng nhất, đồng thời được bổ làm Đốc học (Giám đốc) Trường Sư phạm, kiêm chức Thư ký Hội đồng châu thành Chợ Lớn.

Năm 1874, ông là giáo sư Trường Hậu bổ (Collège des stagiaires) – tức trường đào tạo quan Tham biện cho bộ máy trực trị của Pháp; rồi sau thay Eliacin Luro làm Giám đốc. Lương ông lúc đó đã đứng hàng thứ ba ở Đông Dương. Ông còn là hội viên của “Hội đồng học chính cao cấp” (còn gọi là “Thượng Hội đồng Giáo dục”), một tổ chức phụ trách việc tiến hành cuộc “chinh phục tinh thần” người dân bản xứ, tiếp theo cuộc “chinh phục bằng vũ lực”.[5]

Năm 1876, ông được Thống đốc Nam kỳ cử ra Bắc kỳ dò xét tình hình báo cáo cho Pháp, chuẩn bị cho cuộc xâm lược Bắc kỳ sau đó.

Năm 1877, Đô đốc Duperré chọn Trương Vĩnh Ký – người An Nam đầu tiên và duy nhất – cử vào làm Ủy viên Hội đồng Cai trị Sài Gòn.

Năm 1883, ông được Hàn Lâm viện Pháp phong chức Viện sĩ.

Năm 1886, nhận Bắc đẩu Bội tinh Ngũ đẳng.

Đặc biệt năm 1886, Tổng trú sứ Trung kỳ và Bắc kỳ Paul Bert vừa sang nhậm chức, đã mời ông ra Huế giúp việc. Ông nhận hàm Tham tá Đệ tam phẩm, sung Hàn Lâm viện thị giảng học sĩ, được bố trí đứng chân trong Cơ Mật viện của vua Đồng Khánh, ông vua do Pháp dựng lên sau biến cố ở Huế 5/7/1885, vua Hàm Nghi cùng cận thần Tôn Thất Thuyết… phải lánh ra Quảng Trị ban Chiếu Cần vương. Với vai trò đó Trương Vĩnh Ký đã góp phần quan trọng giúp Paul Bert đập tan phong trào Cần vương của vua Hàm Nghi.

Paul Bert chết đột ngột vào cuối năm 1886. Trương Vĩnh Ký không được người kế tục Paul Bert tin dùng. Trương Vĩnh Ký lui về Sài Gòn tiếp tục dạy học ở trường đào tạo tham biện (Trường Hậu Bổ) và viết sách…

Lương của ông Trương Vĩnh Ký được ưu ái trả bằng tiền franc, lên đến 9.000 franc [6], chuyển đổi ra đồng bạc Đông Dương là một số tiền lớn; trong khi lương Tri huyện thời đó là 30 đồng/tháng; lương Lại dịch (viên chức thường) là 10 đồng/tháng.

Riêng thời gian Trương Vĩnh Ký dành cho việc hoạt động văn hóa là từ khi ông còn rất trẻ, từ năm 1864 đến 1894 (30 năm). Trong lĩnh vực này ông soạn sách dạy chữ Quốc ngữ, phiên âm tác phẩm chữ Nôm, dịch sách chữ Hán ra Quốc ngữ, nghiên cứu các vấn đề về phong tục, lịch sử, xã hội, khoa học tự nhiên… của xứ Nam kỳ và nhiều địa phương khác phục vụ việc tìm hiểu xứ sở, người dân vùng đất mới chinh phục của thực dân Pháp.

Một đời sáng tác, Trương Vĩnh Ký cho ra 121 tác phẩm chữ Việt và chữ Pháp mà nội dung được ông viết trong thư “Kính gởi các vị trong Hội đồng Thuộc Địa” năm 1882 rằng[7]:

“Trong các tác phẩm của tôi không bao giờ đi lệch mục đích chính là sự biến cải và đồng hóa dân tộc An Nam (theo tiêu chuẩn Ki-tô giáo Pháp)… Đệ trình với quý vị những tác phẩm này, tôi khẩn xin quý vị thẩm định mục đích mà tôi đã đề ra khi soạn thảo, và nếu quí vị nghĩ rằng những tác phẩm đó có thể là một lợi khí của tiến bộ và là một phương tiện thích hợp để tạo ra trong lúc này, sự thay đổi và đồng hóa mà nhà cầm quyền (thực dân Pháp) đang tìm cách thực hiện ở xứ này có lợi cho những kẻ thần phục mới của nhà cầm quyền, tôi mong rằng qúy vị sẽ góp phần vào việc xuất bản những sách này.”

Trương Vĩnh Ký mất năm 1898. Phần mộ chôn ở Chợ Quán, nay thuộc quận 5, góc đường Trần Hưng Đạo- Trần Bình Trọng.

**NHỮNG ĐIỂM ĐÁNG QUAN TÂM TRONG “CUỐN SỔ BÌNH SANH” TRƯƠNG VĨNH KÝ – Tính chất con người Trương Vĩnh Ký trong thời gian cộng tác với Pháp về chính trị (dưới danh nghĩa “Thông ngôn”) 1860- 1886.

Thời gian này có 3 mốc quan trọng:

1. Khi Trung tướng Hải quân Pháp Jean Bernard Jauréguiberry đảm nhiệm vai trò quyền Tư lệnh quân Pháp ở Gia Định (thay Rigault de Genouilly) [8], Trương Vĩnh Ký lúc ở tuổi 22 (1859) đã viết thư thúc giục Jauréguiberry nhanh chóng đánh chiếm Nam kỳ : “… Tôi nhân danh là người đại diện cho tín hữu Kitô kính dâng lên Ngài lời cầu xin của chúng tôi… Nỗi thống khổ của chúng tôi hằng gánh chịu dưới bạo quyền của các quan lại triều đình gây ra…
Tất cả chúng tôi chắc sẽ chịu chết nếu Ngài không kịp đánh đuổi kẻ thù của chúng ta” [9]. Năm sau 1860, khi quân Pháp chiếm một số tỉnh Nam kỳ, Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn cho các tướng Pháp Charner, Page, Bonard…”

Như vậy, ngay sau khi rời tu viện Pénang, Trương Vĩnh Ký đã sớm làm tay sai cho quân xâm lược (23 tuổi).

2. Năm 1876 (39 tuổi), theo lệnh của Thống đốc Nam kỳ Đô đốc Duperré, Trương Vĩnh Ký bí mật ra Bắc “tìm hiểu tình hình”, chuẩn bị cho quân Pháp đánh chiếm Bắc kỳ 6 năm sau đó (25/4/1882).

Trương Vĩnh Ký báo cáo tình hình (tuy có nhiều chi tiết không đúng), thúc giục quân Pháp nhanh chóng tiến quân ra chiếm Bắc kỳ: “… Sự khốn cùng đang bao trùm dân chúng… đòi hỏi một sự thay đổi và một nền cai trị hữu hiệu… giải thoát một dân tộc đang cảm thấy suy vong”.

Trương Vĩnh Ký cũng vẽ ra triển vọng Pháp sẽ thu được những quyền lợi vật chất cụ thể khi chiếm đoạt được xứ này: “… “Và tất nhiên, xứ sở chẳng thiếu tài nguyên, đất đai mà tôi dám quyết rằng có thể sánh với thổ nhưỡng của nước Pháp, ít ra là đối với Algérie, chất chứa nhiều của cải đủ để làm nên tài sản cho một quốc gia. Đất này tiện lợi cho những vụ trồng trọt các mùa thay đổi khác nhau.

Những cuộc thí nghiệm trồng nho và gieo lúa mì cho thấy những kỳ vọng chắc chắn… Tôi chưa nói tới ở đây những tài nguyên khoáng chất, người ta bảo là bao la, và tôi xin được phép nói rằng dân của xứ này đã chết đói trên một chiếc giường đầy vàng…” [10].

Trương Vĩnh Ký cũng báo cáo với viên Thống đốc Pháp về những điều ông ta ca ngợi sự bảo hộ của Pháp với một số sĩ phu Bắc kỳ: “… Tất cả quý vị đều phải thấy rằng nếu nhà cầm quyền Pháp có ý xâm chiếm xứ này, họ có thể làm việc ấy từ lâu một cách dễ dàng, không phải bàn cãi gì cả. Quí vị phải hiểu rằng quí vị là những kẻ yếu, thật sự quá yếu, cần một sự giúp đỡ của ai đó để gượng dậy… Và tốt hơn chỉ nên tin tưởng vào những bạn đồng minh… dựa vào họ một cách thành thật để đứng lên; phải thẳng thắn, không hậu ý… dang cả hai tay ra với họ…”[11]

3. Năm 1886 (49 tuổi), khi Paul Bert sang nhậm chức Tổng trú sứ Bắc kỳ và Trung kỳ, do quen trước trong chuyến công du Pháp năm 1863-1864, Trương Vĩnh Ký được Paul Bert mời giúp việc ở triều đình Huế.

Theo yêu cầu của Paul Bert, Nam triều phong cho Trương Vĩnh Ký hàm Tham tá đệ tam phẩm (tương đương thứ trưởng), đứng chân trong Cơ Mật viện của vua Đồng Khánh, vị vua do Pháp dựng lên khi vua Hàm Nghi và cận thần Tôn Thất Thuyết khởi nghĩa ở Huế (5/7/1885) chống Pháp không thành công phải lánh ra Quảng Trị ban Chiếu Cần vương.

Vai trò của Trương Vĩnh Ký là bí mật điều khiển Đồng Khánh và Cơ Mật viện (cơ quan lãnh đạo cao nhất của triều đình Huế) làm theo ý đồ của Pháp. Trương Vĩnh Ký báo cáo cho Paul Bert: “… Tôi sẽ trấn áp tất cả các hãnh thần và bao vây nhà vua, tôi sẽ kiếm những người thật sự có khả năng cho Viện Cơ mật” [12].

Trương Vĩnh Ký cũng gợi ý cho Paul Bert tổ chức lực lượng đặc biệt để triệt phá bọn “phiến loạn” (Cần vương): “… Hãy nhanh chóng lập các đoàn lạp binh (thanh niên Công giáo) và võ trang cho họ. Ngài không có gì phải quan ngại… bởi vì quân khí do ngài cung cấp, cho mượn, hoặc bán đều thuộc trách nhiệm trực tiếp của nhà vua và chính quyền An Nam, sau cuộc bạo hành ngày 5/7, nay chỉ còn cách thuần phục nước Pháp…” [13]… “Bọn phiến loạn (người viết nhấn mạnh) không đáng sợ, họ chỉ có những khí giới cổ lỗ của chính quyền An Nam và vài võ khí mới mua lại được của bọn buôn lậu Trung Hoa. Cái chứng cớ phơi bày ra ở Quảng Trị và Quảng Bình, họ đã không thể cắt được dù chỉ một lần đường dây điện thoại. Họ rất dễ bị tiêu mòn và trở lại ngoan ngoãn…”.

Chính Trương Vĩnh Ký đã nói rõ vai trò bí mật của mình ở Cơ Mật viện trong một thư gởi viên Giám đốc nội vụ Noel Pardon (sau khi Paul Bert chết): “… về phần tôi, xâm nhập vào Cơ Mật viện của nhà vua, vai trò của tôi là làm cho nhà vua và triều thần hiểu được các ý tốt (sic) của chính phủ Pháp cũng như điều động chính sách của chính phủ An Nam đi gần với chính sách của nước Pháp” [14]

Qua những cột mốc lớn trong vòng đời của ông, ta có thể kết luận: người “TRÍ THỨC” Công giáo Trương Vĩnh Ký theo phục vụ cho giới lãnh đạo cao cấp của đội quân xâm lược Pháp khi tuổi ông còn rất trẻ, ngay từ những ngày đầu chúng đến Việt Nam; và duy trì tính chất Việt gian phản quốc đó liên tục qua nhiều vai trong suốt cuộc đời, cho đến ngày bị thất sủng sau khi Paul Bert, người bảo trợ chính của ông đột ngột qua đời (1887) và cho đến ngày ông mất (1898)….


Kết: Không ai có thể phủ nhận tài năng, đóng góp của Trương Vĩnh Ký về mặt học thuật. Nhưng cái nào phải ra cái đấy, đóng góp về học thuật, tài năng phải rạch ròi so với “hành động chính trị”. Không thể lấy vấn đề này bao biện cho vấn đề khác.
Trương Vĩnh Ký là con người như thế nào, yêu nước như thế nào, xin để tự mọi người tự có nhận xét của riêng mình. Chỉ xin phép trích lời nhận xét của Nhà sử học Trần Văn Giàu:

“Khi mà kẻ xâm lược và kháng chiến đang chọi nhau dữ dội, trên chiến trường Thắng – Bại chưa ngã ngũ hẳn, khi ấy mà ai đứng hẳn về phe kẻ địch (của dân tộc Việt Nam) thì nhà chép sử nào, dù có rộng xét mấy cũng không thể lấy bất kỳ số sách vở sáng tác hay phiên dịch nào để biện bạch và giảm nhẹ trách nhiệm tinh thần của một người dân nước, nhất là của một “Kẻ sĩ” ( chỉ Trương Vĩnh Ký)”

—-

Chú thích người biên tập:
1, Nguyên Ngọc (1932): Nhà văn, nhà báo quân đội với hàm Đại tá quân đội Nhân dân Việt Nam với các tác phẩm “Đất nước đứng lên”, “Rửng Xà Nu”…
2, GS. Phạm Thế Ngũ chép ông Thi mất năm 1845
3, https://tuoitre.vn/bep-nuc-to-gia-dinh-bao-443229.htm
4, Huỳnh Tịnh Của làm Chủ bút
5,trinhhoaiduc.netfirms.com/sangtac/GiaoDucThoiPhapThuoc.html
6, Tỷ giá năm 1885: 1 đồng Đông Dương: 4.5 franc Pháp
7, Thư đề ngày 12.1.1882, từ Chợ Quán “Kính gởi các vị trong Hội đồng Thuộc Địa”, Bao-ti-xi-ta Trương Vĩnh Ký.
8, hhttps://www.netmarine.net/bat/ee/jaureguib/celebre.htm
9,Thư viết tay khoảng cuối tháng 3/1959 -Văn khố Hải quân Pháp, Paris; SUM Vincennes – Vũ Ngự Chiêu sưu tầm
10, Cuốn Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876)- Trương Vĩnh Ký
11, Thư ngày 28/4/1876 gởi quyền Thống đốc Pháp ở Nam kỳ, do Bùi Kha viện dẫn
12, Báo cáo ngày 17/6/1886 gởi Paul Bert
13, Thư gửi Paul Bert ngày 5/10/1886
14, Thư ngày 19/1/1887, trình cho Bihourt người kế vị Paul Bert, qua viên Giám đốc Nội vụ Noel Pardon

Nguồn: Phạm Hải/Hội những người thích tìm hiểu Lịch Sử