Phong trào khởi nghĩa Lam Sơn là một hiện tượng khá đặc biệt trong sử Việt. Tưởng chừng như sau cuộc quật khởi của nhà Hậu Trần thất bại, hiền tài nước Việt đã mất mát nhiều, nguyên khí không còn đủ để làm nên nghiệp lớn. Nhưng thật bất ngờ là chỉ sau đó một quãng thời gian không lâu (từ 1414 đến 1418), phong trào Lam Sơn lại nổi lên. Phong trào quy tụ hàng loạt những anh hùng tài ba lỗi lạc, cùng nhau làm nên những chiến công hiển hách phi thường. Thật đúng như lời trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi đã viết:
“Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có”
Tất nhiên trước hết phải kể đến là người anh hùng Lê Lợi, nhân vật khởi xướng cuộc khởi nghĩa. Lê Lợi là xuất thân trong một gia đình đại địa chủ lâu đời ở hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hóa (nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Tổ tiên của họ Lê là Lê Hối dựng lên ở đất Lam Sơn, nhiều đời nối nhau làm hào trưởng một phương. Lê Hối sinh Lê Đinh, Lê Đinh sinh Lê Khoáng, Lê Khoáng sinh Lê Trừ và Lê Lợi. Lê Lợi là con trai thứ nhưng có tư chất thông tuệ khác thường nên được giao nối nghiệp nhà. Nhà họ Lê truyền đến đời Lê Lợi đã nức tiếng là nhà giàu có và uy tín trong vùng, gia nô có đến hàng ngàn người. Lê Lợi là người phóng khoáng nuôi chí lớn, thường bỏ tiền của giúp đỡ người cơ hàn, chiêu nạp những kẻ khốn cùng nên càng được lòng dân.
Miêu tả về Lê Lợi, các sách sử xưa thường nhuốm màu huyền thoại, ly kỳ. Sách Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn chép về việc ra đời của Lê Lợi và diện mạo của ngài như sau: “Hoàng đế sinh giờ tý ngày mồng 6 tháng 8 năm Ất sửu (1385), nhằm niên hiệu Xương phù thứ 9 nhà Trần, sanh tại làng Chủ sơn, huyện Lôi dương. Nguyên trước, xứ Du Sơn, thôn Như Áng Hậu thuộc làng này (Chủ Sơn), có một cây quế, dưới cây quế này có con hùm xám thường xuất hiện, nhưng nó hiền lành, vẫn thường thân cận với người mà chưa từng hại ai. Tự khi Hoàng đế ra đời, thì không thấy con hùm ấy đâu nữa. Người ta cho là một sự lạ! Ngày Hoàng đế sinh, thì trong nhà có hào quang đỏ chiếu sáng rực, và mùi thơm ngào ngạt khắp làng. Khi lớn tuổi, ngài thông minh dũng lược, độ lượng hơn người, vẻ người tươi đẹp hùng vĩ, mắt sáng mồm rộng, sống mũi cao, xương mi mắt gồ lên, bả vai bên tả có 7 nốt ruồi, bước đi như rồng như hổ, tiếng nói vang vang như tiếng chuông. Các bậc thức giả biết ngay là một người phi thường.”. Việc thần thánh hóa các vị vua là một hiện tượng không quá mới trong lịch sử. Nó là một cách thức để nhà vua và triều đình có được sự tôn sùng của nhân dân, giúp thuận lợi hơn trong việc cai trị.
Cuối đời Trần, Lê Lợi vừa chăm sóc việc nhà vừa giữ chức Phụ đạo Khả Lam. Sau nhà Hồ soán ngôi nhà Trần, rồi quân Minh xâm lược, ngài ở nhà đóng cửa đọc sách. Trước những biến động lớn của thời cuộc, Lê Lợi chọn cho mình một con đường riêng, không dự vào những phong trào khởi nghĩa đương thời vì ngài đánh giá rằng những phong trào này không có nhiều triển vọng thành công. Để cho người Minh không nghi ngờ, Lê Lợi tỏ ra là một địa chủ chỉ chuyên tâm lo việc đồng áng. Chẳng những vậy, Lê Lợi còn thường xuyên đi lại quà biếu với các quan tướng Minh triều để che mắt chúng.Quân Minh thấy Lê Lợi là người có thế lực trong vùng, muốn đem quan tước ra mua chuộc nhưng ngài đều tìm cách từ chối khéo, càng đút lót cho chúng nhiều để được tạm yên. Mặt khác, Lê Lợi chuyên tâm nghiên cứu sách lược, binh thư chờ cơ hội, ngầm kết giao với những người tài cao chí lớn, cùng nhau tính kế lâu dài. Lê Lợi từng nói với thân tín: “Bậc trượng phu sinh ở đời phải cứu nạn lớn, lập công to, lưu lại tiếng thơm ngàn năm sau, sao lại chịu hèn nhát để cho người sai khiến?” (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
Những nhân vật quan trọng đầu tiên đến Lam Sơn có Trịnh Đồ, Trịnh Khả, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Bùi Khai Hưng, Nguyễn Truy, Lưu Nhân Chú, Trịnh Vô, Vũ Uy, Lê Liễu… Những người này cùng với các thân tín của nhà họ Lê là những hạt nhân đầu tiên đề ra các đường hướng ban đầu, chuẩn bị mọi thứ trước khi khởi binh. Trong thời gian tích tụ của cải và lực lượng một cách bí mật, trước hết Lê Lợi và các hạt nhân đầu tiên của phong trào đã được sự đồng lòng che chở của những người thuộc hạ của nhà họ Lê và nhân dân quang vùng Lam Sơn. Việc Lê Lợi chiêu hiền đãi sĩ tuy đã cố gắng che mắt chính quyền đô hộ, nhưng thực tế cũng không thể hoàn toàn bí mật. Danh tiếng của một phụ đạo đất Lam Sơn đang chiêu mộ hiền tài dần lan xa, nửa hư nửa thực. Nguyễn Trãi bấy giờ ở thành Đông Quan, quân Minh đã quản thúc lâu ngày sinh ra xao nhãng, nghe danh Lê Lợi đã trốn khỏi thành lặn lội đến Lam Sơn tìm minh chủ. Năm 1416, để nêu cao quyết tâm, Lê Lợi lập Hội thề Lũng Nhai lịch sử, chính thức khai sinh phong trào khởi nghĩa Lam Sơn:
“Bui ! [từ cổ dùng trong văn thề]
Năm đầu niên hiệu Thiên khánh là năm Bính-thân (1416), quá ngày sóc (mồng một) là ngày Kỉ Mão đến ngày 12 là ngày Canh dần, tại nước An Nam, lộ Khả Lam. Tôi là phụđạo Lê Lợi đứng đầu, với Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn Linh, Lê Văn An, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Kiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú, Trịnh Vô, Phạm Lôi, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến.
Chúng tôi kính cẩn đem lễ vật, sinh huyết mà thành khẩn dâng lời tâu, cáo cùng Vua Trời, Hậu Đất và các thần linh bậc thượng, trung, hạ, coi các cảnh đẹp sông núi tại các xứ ta. Chúng tôi cúi xin rộng rủ lòng thương, soi xét để chứng cho việc nầy. Rằng có bạn từ xa tới kết tình vui vẻ và rất tin nhau, cho nên phải làm lễ tâu cáo.
Nay ở nước tôi, tôi phụ đạo Lê Lợi đứng đầu với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến, tuy sinh khác họ, quê quán xa cách nhưng kết nghĩa cùng nhau, xem nhau như cành liền chung một tổ. Tuy phần vinh hiển có khác nhau, nhưng nguyện đem tình đối xử với nhau như người không khác họ.
Ví bằng chúng tôi đây, Lê Lợi với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến, có đều hiệp lực đồng tâm chống giữ địa phương để làng xóm được yên. Nếu chúng tôi sống chết cùng nhau không quên lời thề ước, thì chúng tôi cúi xin Trời, Đất và các vị Thần linh chứng giám cho, ban xuống trăm điều lành, cho từ thân đến nhà, dòng-dõi, con cháu đều được yên lành để đời đời hưởng lộc Trời.
Ví bằng Lê Lợi với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến lại ra ý đổi đường, tìm sướng hiện thời, mập mờ xao lãng, không chịu đồng tâm, bỏ quên lời thề ước, thì chúng tôi cúi xin Trời, Đất và các vị Thần linh phát xuống trăm tai, cho từ thân đến nhà, dòng-dõi, con cháu đều chịu giết sạch, đúng với luật Trời.
Kính cẩn tâu trình!” (theo GS.Hoàng Xuân Hãn)
Lời thề Lũng Nhai đã liên kết những người anh hùng thành một khối thống nhất để cùng dựng nghiệp lớn. Tuy vậy, lúc này nghĩa quân Lam Sơn vẫn chỉ đang trong quá trình bí mật gây dựng lực lượng. Từ khắp nơi, anh hùng hào kiệt nghe tiếng càng theo về đông. Tiếng đồn xa thuận lợi cho việc chiêu mộ của Lê Lợi, nhưng cũng khiến quân Minh đánh hơi thấy điều bất thường. Trong một lần có tranh chấp về đất đai, Lê Lợi thắng kiện một người tên là Đỗ Phú. Người này ấm ức trong lòng, đem chuyện Lê Lợi bí mật gây dựng lực lượng cáo giác với giặc Minh. Tướng Minh trấn giữ vùng Thanh Hóa bấy giờ là Trần Trí, Sơn Thọ sai quân đến đánh, Lê Lợi lúc này quân chưa luyện, khí giới chưa chuẩn bị, phải chia nhau mỗi người chạy trốn một ngã. Quân Minh dẫn chó ngao truy lùng Lê Lợi, suýt đã bắt được nhưng Lê Lợi may mắn thoát nạn nhờ một con cáo trắng. Sách Lam Sơn Thực Lục thuật lại chuyện Lê Lợi thoát nạn rất ly kỳ:
“… Nhà vua cùng Lê Liễu chạy đến bên sông Khả Lam, bỗng thấy một người con gái nằm chết, mình còn mặc chiếc áo trắng, cùng đeo thoa vàng, xuyến vàng. Nhà-vua cùng Liễu ngửa mặt lên trời khấn rằng: “Tôi bị giặc Minh bức bách, xin phù hộ cho tôi thoát nạn này, ngày sau được Thiên hạ, xin lập làm miếu thờ, hễ có cỗ bàn, cúng nàng trước hết!”
Đắp mả chưa xong thì giặc xua chó ngao đến. Nhà-vua cùng Liễu chạy vào bộng cây đa! Giặc lấy mũi giáo nhọn đâm vào, trúng vào vế bên tả của Liễu, Liễu bốc cát cầm vuốt vào lưỡi giáo, cho khỏi có vết máu. Tự-nhiên bỗng thấy con cáo trắng chạy ra! Chó ngao liền đuổi cáo. Giặc không ngờ bèn kéo đi. Nhà vua mới được thoát …”
Đến khi quân Minh rút khỏi Lam Sơn, Lê Lợi lại cùng các bạn đồng chí của mình tụ họp trở lại, càng đem nhiều tiền của đút lót cho quan tướng Minh, giả cách nhu nhược để nuôi lòng tự cao của chúng. Quân Minh thấy Lê Lợi không có sức chống trả lại chủ động gởi phẩm vật, nên cũng xao lãng không bức bách mà thả sức quấy nhiễu nhân dân trong vùng, Lê Lợi tranh thủ thời gian, càng cố gắng xây dựng lực lượng, tích trữ lương thảo, rèn khí cụ…
Bấy giờ lại có tên ngụy quan Lương Nhữ Hốt tâu lên với giặc rằng: “Người chủ Lam Sơn chiêu nạp những kẽ vong mạng, và đãi ngộ sĩ tốt rất hậu, chí của người ấy không phải là nhỏ. Nếu không sớm tính đi, để cho con rồng có lúc gặp mây gặp mưa, thì khi ấy nó sẽ không còn là một con vật trong ao nữa đâu. Vậy xin trừ ngay đi, đừng để lưu tai vạ về sau này” (theo Đại Việt Thông Sử)
Tướng Minh tin lời, lại đem quân đến vây đánh. Biết được tin ấy, Lê Lợi quyết định phất cờ khởi binh sớm hơn dự định. Ngày 7.2.1418, đúng dịp Tết Nguyên Đán, Lê Lợi xưng Bình Định vương làm lễ tế cờ, truyền hịch cho khắp muôn dân cùng đánh đuổi giặc Minh. Với khí thế và quyết tâm cao độ, nghĩa quân Lam Sơn chính thức bước vào cuộc chiến gian lao.
(còn nữa)
Quốc Huy/Một Thế Giới