Trong trận chiến trên đèo Thermopylae diễn ra vào năm 480 BC, quân đội liên minh các thành bang của Hy Lạp chiến đấu chống lại đội quân xâm lược Batư trên đường qua đèo Thermopylae.
Đối đấu với một đội quân đông hơn hàng chục lần, những người Hy Lạp đã cầm chân đối thủ và khiến trận Thermopylae trở thành một trong những trận tử thủ nổi tiếng nhất trong lịch sử loài người. Một đội quân nhỏ lãnh đạo bởi vua Leonidas I của thành bang Sparta đã chặn con đường duy nhất qua đèo Thermopylae, còn đường mà đội quân đông đảo của Xerxes I của Batư phải vượt qua. Những người Batư cuối cùng đã chiến thắng, nhưng bị thiệt hại nặng nề, ngược lại với tổn thất của quân Hy Lạp. Một người địa phương tên là Ephialtes đã phản bội các đồng bào Hy Lạp, chỉ cho quân đội Batư con đường dẫn đến phía sau hàng ngũ quân Hy Lạp. Giải tán tất cả quân đội, vua Leonidas chỉ giữ lại bên mình 300 cận vệ Sparta, 400 người Theban và 700 người Thespian tình nguyện. Dù họ biết việc ở lại tử thủ đồng nghĩa với cái chết của chính họ, nhưng những người ở lại đã đảm bảo việc rút lui an toàn cho các chiến binh Hy Lạp khác.
Sự thiệt hại nặng nề của quân đội Batư đánh động Xerxes. Khi hải quân của ông bị đánh bại ít lâu sau đó, ông chạy khỏi Hy Lạp, chỉ để lại một phần quân đội để hoàn tất cuộc chinh phục. Sau đó ba mươi vạn chiến binh Batư được để lại ở Hy Lạp bị đánh bại trong trận chiến ở Plataea.
Trận tử thủ của những người Hy Lạp trên đèo Thermopylae ngày nay vẫn còn được sử dụng như một bằng chứng sống động về sự vượt trội trong huấn luyện, vũ trang tốt và tận dụng triệt để lợi thế địa hình để nhân sức mạnh một đội quân lên nhiều lần. Đồng thời nó là một biểu tượng cho tinh thần quả cảm dám đối đầu với một kẻ thù đông hơn nhiều lần. Sự hy sinh anh dũng của những người Sparta và những người Thespian đã để lại dấu ấn trong tâm trí rất nhiều thế hệ về sau và là đề tài của rất nhiều anh hùng ca.
Quân số Batư:
Các nhà lịch sử còn tranh cãi nhau rất nhiều về quân số của Xerxes. Trong khi người đầu tiên viết về trận đánh này, nhà sử học Herodotus khẳng định quân Batư đông tới 5283220 người (hơn năm triệu người!) kể cả lính hỗ trợ và thuỷ thủ đoàn, thì nhà thơ Simonides, người sống cùng thời, nói rằng quân Batư có khoảng 4 triệu. Ngày nay, các nhà sử học cho rằng quân Batư có khoảng 1,7 triệu người. Tuy nhiên cũng có người cho rằng quân Batư có không quá 200000 người.
Quân số Hy Lạp:
Liên Minh các thành bang Hy Lạp gồm 300 người Spartan, 500 người Mantinean, 500 người Tegean, 1000 người Phocian, 700 Thespian, 400 Theban và các thành bang khác, tổng cộng vào khoảng 7000 người.
So với 200000 quân Batư (con số nhỏ nhất) thì một người Hy Lạp phải đấu với 30 người Batư. Còn với con số tối đa 1 người Hy Lạp đối đầu với khoảng 754 người Batư!
Vấn đề đặt ra là tại sao chỉ có 300 người Sparta tham gia chiến đấu? Vì khi đó ở thành bang Sparta đang có lễ hội lớn Carneian, mà trong lễ hội đó, theo luật, các chiến binh Sparta không được rời khỏi thành bang của mình. Chỉ có một ngoại lệ duy nhất là vua Leonidas và 300 cận vệ. Theo Herodotus, ở các thành bang khác tình trạng cũng tương tự, vì người ta chuẩn bị tham gia lễ hội Olympic.
Khi tham gia trận đánh, vua Leonidas biết chắc chắn là đang đi vào chỗ chết. Khi vợ ông hỏi bà lên làm gì sau khi ông ra đi, vua Leonidas bình thản trả lời:
– Cưới một người chồng tốt và có những đứa con ngoan.
Đó là một việc rất thường ở Sparta, nơi mà những người vợ thường nói với chồng: “Hãy về nhà với tấm khiên của chàng, hay được khiêng về trên đó”. Câu nói đó nghĩa là người chồng hãy trở về cùng chiến thắng (tấm khiên) hoặc chết, được khiêng về trên chính tấm khiên của mình. Chết còn hơn là hèn nhát quẳng khiên bỏ chạy khỏi chiến trường (tấm khiên của người Sparta là một phần của giáp trụ quá nặng để có thể mang theo khi chạy trốn).
Sự đổ bộ của quân đội Batư:
Khi quân Batư đến cửa vào đèo Thermopylae, Xerxes gửi một kỵ binh thám tử đi do thám quân Hy Lạp. Những người Hy Lạp mặc kệ cho anh ta tự do do thám mình. Và khi người thám tử về báo cho Xerxes biết quân số của người Hy Lạp và rằng những người Hy Lạp đang chơi các trò chơi nhẹ nhàng, tập thể dục và ngồi tết tóc thì Xerxes đã cho rằng đó là những báo cáo buồn cười. Khi Xerxes hỏi lời khuyên một cố vấn người Hy Lạp, Demaratus, Demaratus trả lời rằng khi những người Sparta trang điểm mái tóc của họ thì có nghĩa là họ sẵn sàng đánh nhau rồi đấy, và rằng những người Sparta là những chiến binh can đảm và thiện chiến nhất toàn cõi Hy Lạp.
Xerxes vẫn rất hoài nghi, ông gửi một sứ giả cho Leonidas, yêu cầu nhà vua gia nhập quân đội của mình, và hứa sẽ dâng cho Leonidas ngôi vua của tất cả các thành bang Hy Lạp sau khi hoàn tất chinh phạt. Leonidas trả lời: “Nếu ngươi biết lẽ đúng sai trên đời thì ngươi sẽ từ chối việc nhận ân huệ của những kẻ ngoại quốc, với ta, ta thà chết vì Hy Lạp còn hơn là làm kẻ cai trị đồng bào ta”.
Xerxes chờ đợi 4 ngày để những người Hy Lạp giải tán. Đến ngày thứ, ông ra lệnh cho những người Medes (một dân tộc bị Batư chinh phục, trở thành một bộ phận của quân đội Batư) bắt tất cả những người Hy Lạp chống đối và mang họ đến trước mặt ông. Những người Medes thất bại trước. Hôm sau Xerxes cử các vệ binh Immortals – đội quân tinh nhuệ nhất mà ông có ra trận. Trong suốt hai ngày giao tranh, các vệ binh Immortals chẳng làm nên trò trống gì khá khẩm hơn những người Medes. Quân Batư bị giết xác chất cao như tường.
Cuối ngày thứ hai, Xerxes rút quân về, bối rối chẳng biết phải giải quyết những người Hy Lạp thế nào. Khi ấy may mắn rơi từ trên trời xuống với ông. Một người Hy Lạp địa phương tên là Ephialtes tình nguyện dẫn đường cho quân Batư ra phía sau hàng ngũ của người Hy Lạp đổi lấy phần thưởng hậu hĩ.
Leonidas biết được tình hình, ông giải tán toàn bộ quân đội, chỉ giữ lại 300 cận vệ Sparta và 400 người Theban để cầm chân kẻ thù cho đồng đội rút lui an toàn. Phút cuối 700 người Thespian do Demophilus chỉ huy tình nguyện ở lại cùng chiến đấu với Leonidas và những người Sparta.
Họ đã chiến đấu anh dũng cho đến khi Leonidas hy sinh. Những người Theban đầu hàng, một số trong bọn họ bị giết trước khi sự đầu hàng được chấp nhận. Những người Thespian và Sparta còn sống cướp lấy thi hài vua Leonidas và rút lui lên ngọn đồi trên đèo Thermopylae, nơi sau đó quân Batư trút mưa tên xuống và những người Hy Lạp hy sinh đến người cuối cùng.
Thương vong của hai bên:
– Phía Hy Lạp: 300 Sparta, 700 Thespian, một số Theban, một số Phocian, tất cả khoảng 1500 người.
– Phía Batư: theo Herodotus thì vào khoảng 80000 người (ông này người Hy Lạp có khác), lịch sử đương đại tính toán vào khoảng 20000 người.
Phần kết:
Khi thi hài vua Leonidas được tìm thấy, Xerxes, điên tiết vì mất quá nhiều lính, ra lệnh chặt đầu xác chết vua Leonidas và đóng đinh cái xác lên thập giá. Điều này trái với truyền thống của người Batư: tôn trọng các đối thủ đã chiến đấu anh dũng với vinh quang to lớn.
Sau đó thuỷ quân Hy Lạp giao chiến với thuỷ quân Batư trong trận đánh ở Artemisium, một trận hoà, nhưng thuỷ quân Hy Lạp (chính xác là thành bang Aten) đã rút lui. Người Batư sau đó kiểm soát biển Aegean của Hy Lạp về phía Nam đến tận Attica. Người Sparta sau đó chuẩn bị phòng thủ eo biển Corinth và Peloponesse, trong khi Xerxes san bằng Athen thành bình địa, nhưng cư dân Athen đã rút lên đảo Salamis. Vào tháng 12, hải quân Batư bị đánh bại trong trận thuỷ chiến ở Salamis, điều đó khiến cho Xerxes vội vã rút chạy khỏi Hy Lạp, để lại khoảng 300000 quân dưới sự chỉ đạo của Mardonius. Đội quân này sau đó đã bị đánh bại tại trận đánh Plataea bởi quân đội Hy Lạp liên minh, vẫn do người Sparta lãnh đạo.
Sau khi quân Batư hoàn toàn bị đánh bại, người Sparta đã thu gom thi hài các tử sĩ của họ ở đèo Thermopylae và thiêu theo nghi lễ trên ngọn đồi mà họ đã chết đến người cuối cùng. Một con sư tử đá được dựng lên để tưởng nhớ đến vua Leonidas. Bốn mươi năm sau trận đánh trên đồi Thermopylae, di cốt vua Leonidas được mang về Sparta và được chôn cất lại, trang trọng theo đúng nghi lễ chôn cất một vị vua và hàng năm các trò chơi tưởng nhớ đến cái chết của vua Leonidas đều được tổ chức.