Trang chủ Nhân vật lịch sử Cuộc sống lưu đày của vua Hàm Nghi qua lời kể của...

Cuộc sống lưu đày của vua Hàm Nghi qua lời kể của nữ nhà văn Nga

Vua Hàm Nghi.
Vua Hàm Nghi.

Ngôi biệt thự này dường như được tạo ra cho hạnh phúc, cho niềm vui, cho cuộc sống. Nhưng khi tôi nhìn vào đôi mắt người chủ góc thiên đường này, tôi đọc thấy nỗi sầu cố quốc lớn lao. Đối với ông, xa quê hương có nghĩa là không có mặt trời và không hề có niềm vui.

Có lẽ nhiều bạn đã đọc cuốn tiểu thuyết cảm động “Hoàng tử bé” của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupery. Những trang viết về tình yêu và sự cô đơn đáng cho ta ghi nhớ suốt đời. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng có một câu chuyện về một vị hoàng tử khác, cũng đau đáu thương nhà nhớ nước vì phải sống cô đơn ở xứ người. Quyển sách này ra đời trước Saint-Exupery rất lâu, và đáng tiếc là không nổi tiếng như “Hoàng tử bé”. Tác giả của tác phẩm này là nữ văn sĩ Nga Tatyana Shchepkina-Kupernik.

Tatyana Shchepkina-Kupernik sinh năm 1874, mất năm 1952. Thời trẻ, trước Cách mạng Tháng Mười Nga, bà đã đi nhiều nước trên khắp thế giới. Đầu năm 1902, bà đến Algeria, thuộc địa của Pháp. Khi đó, vua Hàm Nghi đang sống tại  nước này. Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn là biểu tượng phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX. Khi phong trào thất bại, vua Hàm Nghi bị người Pháp bắt đưa đi an trí tại Alger.

Trong câu chuyện về nhà vua bị lưu đày, nữ văn sĩ Nga gọi nhân vật của mình là “Hoàng tử Lee Tzong”, vì lý do kiểm duyệt bà không thể viết tên thật của Hoàng đế An Nam. Lần đầu tiên tác phẩm này được công bố tại Moskva năm 1903.

Truyện bắt đầu với cảnh mô tả xứ sở thanh bình, nơi có một chàng hoàng tử tốt bụng sống rất hạnh phúc. Nhưng rồi một buổi sáng định mệnh, chàng và các thần dân được biết rằng phương Tây không chỉ có các học giả lớn và nhà thơ vĩ đại, mà có cả những kẻ cầm súng và đạn dược đến gieo rắc chết chóc và sự hủy diệt. Và cái chết và sự tuyệt vọng đã ập đến vương quốc của chàng. Một lần hoàng tử tỉnh dậy và thấy mình đã là một tù nhân. Chàng bị bắt làm con tin, bị giam lỏng trong tòa biệt thự màu trắng Algeria dưới bầu trời châu Phi. Đại dương mênh mông ngăn cách chàng với quê hương mà cho đến chết Hoàng đế không một lần được gặp lại. Nhưng chàng vẫn sống, — như Shchepkina-Kupernik đã viết trong truyện — và chàng sống với khát vọng sau khi chết sẽ được yên nghỉ tại quê nhà. Niềm hy vọng đó  khiến cho đôi mắt đen buồn bã của chàng sáng bừng lên trong chốc lát.

Nhà văn Nga Shchepkina-Kupernik không chỉ kể về chàng hoàng tử bất hạnh. Họ gần như bạn đồng niên, vua Hàm Nghi chỉ hơn nữ văn sĩ Nga hai tuổi. Cả hai đều nói tiếng Pháp rất giỏi. Họ gặp nhau nhiều lần và trở thành bạn bè thân thiết. Shchepkina-Kupernik mô tả diện mạo vua Hàm Nghi: “Làn da của ngài có màu ngà voi cũ, đôi mắt thông thái và rất buồn, bàn tay, bàn chân nhỏ nhắn — tất cả những điều đó khiến bạn nghĩ gì về bức tượng quý, chạm khắc khéo léo bởi bàn tay người nghệ sĩ phương Đông. Nhà vua không chỉ một lần mua chuộc tôi bằng sự giản dị của mình và tính cả tin, khiến ngài trông có vẻ như một đứa trẻ lớn tuổi”.

Trong nhà của người bị lưu đày, nữ văn sĩ Nga chú ý đến bức trướng với câu châm ngôn của Khổng Tử dệt bằng chỉ vàng treo trên tường, những cuộn bản thảo, mực tầu và bút lông trên bàn làm việc, tấm chiếu trải trên sàn. Bà cũng thấy trong phòng có các nhạc cụ Việt Nam bên cạnh chiếc piano và đàn violin châu Âu. Trong những cuốn vở chép nhạc có tác phẩm của nhà soạn nhạc Nga Glinka…

Theo bà Shchepkina-Kupernik, trên giá vẽ có bức phác thảo chưa hoàn thành và hàng chục bức tranh, cho thấy trong con người bé nhỏ Hàm Nghi ẩn chứa tâm hồn một họa sĩ lớn.

“Ngài không triển lãm tranh của mình ở Paris là tội lỗi lớn lắm đấy!” — người phụ nữ Pháp đi cùng với nữ văn sĩ Nga đến thăm vua Hàm Nghi nói. “Tôi nghĩ rằng sẽ là tội lỗi, nếu trưng bày những bức tranh của tôi ở Paris,” — vị Hoàng đế bị người Pháp ông tước đoạt ngôi báu và quê hương trả lời.

Và khi nữ nhà văn Nga chú ý đến những bông hoa phóng khoáng nở trong vườn, không có hàng rào và bồn hoa, vua Hàm Nghi cho biết: “Tôi không hạn chế những bông hoa của tôi. Hãy để cho chúng được tự do.”

“Tôi rất hiểu ý nghĩa thực sự của những lời này — nữ văn sĩ Shchepkina-Kupernik nói. Vua Hàm Nghi mỉm cười — và nụ cười ấy mang chứa nỗi đau đớn lớn hơn nước mắt. Bởi vì góc nhỏ Algeria này, ngôi biệt thự này dường như được tạo ra cho hạnh phúc, cho niềm vui, cho cuộc sống. Nhưng khi tôi nhìn vào đôi mắt người chủ góc thiên đường này, tôi đọc thấy nỗi sầu cố quốc lớn lao. Đối với ông, xa quê hương có nghĩa là không có mặt trời và không hề có niềm vui.”

Theo ALEXEI SYUNNERBERG / SPUTNIK