Viên đại úy bộ binh đến Sài Gòn vào ngày Giáng sinh năm 1962, nhiệm vụ là cố vấn cho Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 3, Sư đoàn 1 bộ binh VNCH ở thung lũng A Sầu giáp biên giới Lào.
Powell có mối quan hệ thân thiết với đại úy Võ Công Hiếu, chỉ huy đầu tiên của tiểu đoàn này. Khi đại úy Quang lên thay thế, do quan hệ và năng lực kém nên sĩ quan và lính tiểu đoàn 400 người thực tế là nghe lệnh Colin Powell.
Cố vấn Powell có lúc xông vào rừng đánh nhau hăng đến mức quay lại nhìn chẳng thấy lính nào đuổi kịp. Tay này rất hăng hái đốt phá làng mạc, bắn giết gia súc và phá hoại ruộng vườn (“đây là sự phản công ở mức cao nhất” – Powell nói).
Tháng 7 năm 1963, Powell dính chông và phải về Mỹ chữa trị. Báo cáo đánh giá ghi: “mặc dù hoạt động trong môi trường rừng rậm gian khổ và nguy hiểm, Powell đã thể hiện sự quyết tâm, thể lực bền bỉ và năng lực chuyên môn, góp phần giúp đơn vị tiêu diệt nhiều Việt Cộng cũng như phá hủy căn cứ, ruộng vườn và kho dự trữ của đối phương”.
Tháng 6/1968, Powell quay lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp trường Chỉ huy và Tham mưu vào đầu năm 1968. Ông được bổ nhiệm vào Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, thuộc sư đoàn 23 Bộ binh, hoạt động tại Đức Phổ, Quảng Ngãi. Đây là khu vực quân đội Mỹ chịu nhiều thương vong và thiệt hại.
Trông năm nay, Powell được tuyên dương và thưởng huân chương “Dũng Cảm” vì cứu 3 lính Mỹ trong một vụ rơi máy bay. Hai huân chương khác được trao là một “Trái tim màu Tím” và một “Ngôi sao Đồng”.
Powell được chỉ định tiến hành điều tra nội dung lá thư do một hạ sĩ quan gửi ra (Tom Glen thuộc Lữ đoàn 11), trong đó tái khẳng định các cáo buộc về vụ thảm sát Mỹ Lai hồi tháng 3/1968. Và kết luận đã viết như sau: “để bác bỏ trực tiếp nội dung miêu tả này, thì mối quan hệ giữa các quân nhân Mỹ và người dân Việt Nam là rất tuyệt vời”.
Powell bảo vệ việc bắn nông dân Việt Nam từ trực thăng. Viên cố vấn viết, nếu đàn ông Việt Nam, mặc “bộ đồ bà ba đen”, “nhìn từ xa thấy đáng ngờ” và “di chuyển” sau một phát súng cảnh cáo, họ sẽ bị giết. “Tàn bạo? Có lẽ vậy . . . . Bản chất giết hay bị giết của giao tranh có xu hướng làm lu mờ những nhận thức tốt đẹp về đúng – sai”, Powell nói.
Theo Historynet