Việc coi thường vai trò của người phụ nữ trong xã hội là một nét đặc trưng của văn hóa cổ Trung Quốc và một số nền văn hóa cổ xưa khác. Cụm từ Trọng Nam Khinh Nữ có lẽ đã quá đỗi quen thuộc với nhiều người trong chúng ta khi nói đến những hệ tư tưởng Nho giáo, phong kiến. Nhưng có lẽ mọi người vẫn sẽ khó hình dung được mức độ trọng nam khinh nữ trong xã hội xưa như thế nào.
Xin mời đọc câu chuyện sau đây được ghi chép trong Sử ký của Tư Mã Thiên kể về một sự kiện trong thời Chiến Quốc :
“Bình Nguyên Quân Triệu Thắng là công tử nước Triệu. Trong hàng công tử, Thắng là người hiền hơn cả. Thắng thích tân khách, tân khách đến độ mấy nghìn người. Bình Nguyên Quân làm Tể tướng cho Triệu, Huệ Văn Vương và Hiếu Thành Vương, ba lần thôi không làm Tể tướng, ba lần trở lại địa vị, được phong ở Đông Vũ Thành.
Lầu nhà Bình Nguyên Quân nhìn xuống nhà dân. Nhà dân có người què khập khiểng ra múc nước. Mỹ nhân của Bình Nguyên Quân ở trên lầu trông thấy thế cười rộ.
Hôm sau, người què đến cửa nhà Bình Nguyên Quân, nói :
– Tôi nghe nói ngài yêu kẻ sĩ, sở dĩ kẻ sĩ không ngại xa ngàn dặm mà đến là vì ngài biết quý kẻ sĩ mà khinh thường bọn tỳ thiếp. Tôi không may bị tàn tật, thế mà hậu cung của ngài lại cười. Tôi xin cái đầu con người đã cười chế nhạo tôi.
Bình Nguyên Quân cười đáp :
– Vâng.
Người què ra đi. Bình Nguyên Quân cười mà rằng :
– Thằng kia lại muốn lấy cớ một nụ cười mà đòi giết mỹ nhân của ta. Thật là quá đáng !
Rốt cuộc, Bình Nguyên Quân không giết.
Được hơn một năm, tân khách, môn hạ, xá nhân dần dần bỏ đi quá nửa.
Bình Nguyên Quân lấy làm lạ, nói :
– Thắng đối đãi các vị chưa hề dám thất lễ. Tại sao nhiều người lại bỏ đi như thế?
Một người môn hạ bước ra, nói :
– Vì ngài không giết mỹ nhân đã cười chế nhạo con người què kia, vì ngài yêu sắc đẹp mà khinh thường kẻ sĩ cho nên kẻ sĩ bỏ đi đó thôi.
Bình Nguyên Quân bèn chém đầu mỹ nhân đã cười chế nhạo người què, đoạn thân hành đến nhà người què tạ lỗi. Sau đó, các môn hạ dần dần trở lại.
Thời bấy giờ ở nước Tề có Mạnh Thường Quân, ở nước Ngụy có Tín Lăng Quân, ở nước Sở có Xuân Thân Quân đều ra sức đua nhau về mặt tiếp đãi kẻ sĩ.”
Mẫu chuyện này được trích từ Bình Nguyên Quân liệt truyện, thuộc Sử Ký của Tư Mã Thiên đời Đông Hán. Những “kẻ sĩ” mà truyện nói đến thực chất đa số chỉ là tầng lớp thị dân sống ăn bám. Đó là những người vô công rỗi nghề nhưng lại hay bàn luận chính sự. Họ biết một ít chữ nghĩa nên được coi trọng hơn đa số người dân thường khác. Bởi đại đa số người dân thời này không biết chữ. Người con gái kia rõ ràng có lỗi, nhưng là lỗi nhỏ nhặt mà lại mất mạng. Thật sự là rất oan uổng. Tuy nhiên, cách hành xử của Bình Nguyên Quân và đám “kẻ sĩ” một thời gian dài lại được coi là chuẩn mực của “đại trượng phu” theo quan niệm phong kiến Trung Hoa.
Nguồn : FB Văn Hóa Lịch Sử